Nông thôn mới phải gắn với làng văn hóa

Thứ tư - 18/12/2013 02:10
Trong số 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) có tiêu chí xã đạt chuẩn NTM phải có 70% thôn, làng, bản trở lên đạt tiêu chuẩn văn hóa. Điều này cho thấy xây dựng NTM tất yếu phải xây dựng làng văn hóa để làm nền tảng, bảo đảm tính bền vững cho sự phát triển dài lâu của NTM. Vì vậy, những năm qua, nhiều địa phương đã quan tâm xây dựng NTM gắn với xây dựng văn hóa cơ sở.
Hoạt động thể thao tại khu dân cư
Hoạt động thể thao tại khu dân cư
Nông thôn gắn liền với làng xã, vì vậy, xây dựng văn hóa NTM là xây dựng làng văn hóa. Việc xây dựng đời sống văn hóa ở NTM phải trên cơ sở của nền tảng văn hóa làng xã lâu đời. Sau nhiều năm triển khai, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã đạt được những kết quả đáng kể, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa. Quán triệt quan điểm phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hóa, văn hóa phải là nền tảng tinh thần của nông thôn mới, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương bên cạnh việc tập trung phát triển kinh tế- xã hội đã chú trọng xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 
Văn hóa làng xã là hệ thống những giá trị được hình thành trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt tinh thần của cộng đồng cư dân ở một làng, một xã được chắt lọc, vun đắp nên từ bao đời nay. Xây dựng làng văn hóa trong nông thôn mới bao gồm nhiều mặt như thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; xây dựng nếp sống văn hóa; xây dựng các chính sách của người dân (như chính sách tổ chức sản xuất, bảo vệ các công trình công cộng…); xây dựng thiết chế văn hóa; bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và nhiều hoạt động khác do chính quyền địa phương phát động… Vì vậy, xây dựng làng văn hóa đòi hỏi mỗi người dân phải nâng cao ý thức, trách nhiệm, cộng đồng chung sức, quyết tâm xây dựng khu dân cư tiên tiến văn hóa xuất sắc. 

Việc xây dựng văn hóa trong NTM bao hàm cả việc xây dựng con người mới, xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân phong phú, hiện đại và nhân văn trên nền tảng bản sắc văn hóa của dân tộc. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV nêu rõ: Tiếp tục đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đi vào chiều sâu. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, hỏi, đám tang, lễ hội; đẩy lùi hủ tục, các tệ nạn cờ bạc, ma tuý, mại dâm, bạo lực, gây rối trật tự công cộng. Xây dựng, tăng cường hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm tính thiết thực và bền vững; từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi với đồng bằng. 

Ở làng Tân Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị, sau khi phát động chương trình xây dựng NTM, Ban điều hành làng văn hóa và toàn thể nhân dân đã đồng tình, hưởng ứng ra sức chung tay xây dựng bộ mặt làng quê ngày càng thêm khang trang. Ban điều hành làng văn hóa Tân Lệ và mỗi hộ dân trong làng bắt tay vào xây dựng làng văn hóa, xây dựng NTM từ những việc làm cụ thể, thiết thực trên cơ sở phát huy nội lực. Đến nay, các công trình cơ sở hạ tầng và thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, làm thay đổi bộ mặt làng quê. Người dân Tân Lệ ai cũng phấn khởi sẵn sàng hiến đất, hiến cây để làm đường giao thông, xây dựng cổng chào, xây nhà văn hóa thôn. 

Sở dĩ có sự đồng lòng chung sức đó là nhờ Ban điều hành làng đã tăng cường tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến hộ dân; tổ chức các cuộc họp làng để người dân được tham gia bàn bạc xây dựng quy ước, hương ước, kế hoạch xây dựng NTM, xây dựng làng văn hóa, các hộ gia đình ký cam kết thực hiện. Mặt khác, Ban điều hành làng văn hóa Tân Lệ cũng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… để tạo ra các phong trào thu hút và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân, góp phần làm cho đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, khơi dậy tình yêu lao động, hăng say sản xuất trong nhân dân. Việc tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa còn được thực hiện lồng ghép với việc triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và vận động người dân thực hiện các chính sách dân số, khuyến học, đền ơn đáp nghĩa…

Ông Trương Đình Thi, Trưởng Ban điều hành làng văn hóa Tân Lệ, xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị cho biết: Trong những năm qua, các đoàn thể trong thôn đã xây dựng hương ước của làng trên cơ sở lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp của toàn dân. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước được Ban điều hành làng tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến tận từng hộ dân, nhất là các chủ trương, chính sách về xây dựng NTM, xây dựng làng văn hóa. Nhờ đó, toàn dân trong thôn đã nhất trí, đồng lòng hưởng ứng. Trong làng ai cũng sẵn sàng hiến đất để xây dựng các công trình công cộng bởi có các công trình đó, bộ mặt xóm làng khởi sắc hẳn lên, giao thông đi lại dễ dàng, ai cũng phấn khởi. Đường làng ngõ xóm cũng được nhân dân phát quang, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. 

Đến nay toàn tỉnh có 139 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cộng đồng; trên 770 làng văn hóa, khu phố văn hóa có nhà văn hóa; trên 85% làng, bản, khu phố được công nhận làng, bản, khu phố văn hóa. Kết quả này là tiền đề quan trọng về tiêu chí văn hóa để tỉnh Quảng Trị đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM. Ông Nguyễn Hữu Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua, trên địa bàn tỉnh nhiều thiết chế văn hóa được xây dựng, đời sống văn hóa ở nông thôn được nâng lên một bước, bộ mặt nông thôn mới được khởi sắc. Trong thời gian tới, tiếp tục thực hiện chương trình hành động của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở. Để làm được việc này, chúng ta phải nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và mọi người dân về vị trí, vai trò, tầm chiến lược của nhiệm vụ văn hóa nói chung và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở nói riêng. Khắc phục những hạn chế trong thời gian qua như tính hình thức, thiếu chiều sâu. Tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đời sống văn hóa. Cụ thể hóa những nhiệm vụ, nội dung mới về lĩnh vực văn hóa vào trong các tiêu chí, bổ sung tiêu chí, thay đổi cách bình xét. Tăng cường công tác tuyên truyền về các phong trào xây dựng NTM, xây dựng làng văn hóa… làm cho các phong trào thực sự đi vào cuộc sống của từng người dân và cộng đồng dân cư. Thường xuyên tổng kết, sơ kết đánh giá kết quả xây dựng các phong trào xây dựng NTM và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở để làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triển trong thời gian tiếp theo. Biểu dương, khen thưởng thường xuyên, kịp thời các đơn vị, cá nhân tiêu biểu trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. 

Với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, chính quyền và nhân dân ở các địa phương đã và đang nỗ lực xây dựng NTM gắn với xây dựng văn hóa ở cơ sở. Thực tế xây dựng NTM cho thấy, ở đâu biết phát huy nội lực, biết huy động những giá trị văn hóa, cả vật chất và tinh thần vào xây dựng NTM và thực hiện tốt tinh thần dân chủ, người dân biết đồng sức, đồng lòng thì ở đó tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được đẩy nhanh và đạt nhiều kết quả thiết thực, đời sống người dân ngày một nâng cao. Xây dựng NTM phải gắn với xây dựng văn hóa ở cơ sở mới xây đắp được những giá trị tốt đẹp trong đời sống nhân dân, làm cho phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức tự lực tự cường của người dân để họ hăng hái tham gia. Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược, là trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và của toàn dân vì lợi ích mỗi người dân và của cả cộng đồng. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập110
  • Hôm nay11,147
  • Tháng hiện tại85,126
  • Tổng lượt truy cập8,178,662
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây