Những kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Linh

Thứ năm - 24/12/2015 02:20
Vĩnh Linh là một huyện ở phía Bắc của tỉnh Quảng Trị. Diện tích đất tự nhiên là 61.715 ha, dân số 86.600 người, trong đó có 2.718 đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện có 19 xã, trong đó có 3 xã miền núi và 3 thị trấn.
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Vĩnh Linh
Bê tông hóa giao thông nông thôn ở Vĩnh Linh
Qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Vĩnh Linh đã có nhiều khởi sắc, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người dân được nâng cao. Đến cuối năm 2014 trên địa bàn huyện đã có 3 xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thủy được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây cũng là 3 xã cán đích đầu tiên của tỉnh Quảng Trị. Dự kiến đến hết năm 2015, Vĩnh Linh sẽ có thêm 4 xã là Vĩnh Hiền, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Nam đạt chuẩn, đưa tỷ lệ xã đạt chuẩn của huyện lên 36,8%, cao nhất so với toàn tỉnh; có 4 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 5 xã đạt 10-14 tiêu chí, riêng 3 xã miền núi là Vĩnh Ô, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê đạt 7-9 tiêu chí. 

Có được kết quả trên đối với Vĩnh Linh là cả một quá trình phấn đấu nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện. Qua thực tiễn gần 5 năm triển khai thực hiện chủ trương về xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Linh cũng đã rút ra cho mình những bài học kinh nghiệm, cũng là những giải pháp để huyện tiếp tục thực hiện chủ trương trên trong những năm tiếp theo. 

Một là, phải nhận thức được tầm quan trọng của chủ trương xây dựng nông thôn mới đối với sự phát triển của địa phương. Vĩnh Linh là huyện nông nghiệp. Gần 65% dân số Vĩnh Linh sống bằng nông nghiệp. Ngành nông nghiệp Vĩnh Linh chiếm tỷ trọng trên 40% trong tổng giá trị sản xuất của toàn huyện. Những năm qua, phát triển nông nghiệp nông thôn luôn là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu của huyện, song chưa tạo ra được sự đột phá, một cú hích lớn thay đổi toàn diện bộ mặt nông nghiệp nông thôn. 

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới lấy địa bàn xã làm đối tượng, lấy người dân làm chủ thể của chương trình. Xây dựng mô hình xã chuẩn toàn diện về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự. Chương trình có quy mô lớn sẽ thu hút được sự chú ý của cả cộng đồng và sẽ tạo ra phong trào thi đua sôi nổi ở tất cả các địa phương. 

Cán bộ và nhân dân Vĩnh Linh nhận thức được rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới chính là thời cơ để tạo ra sự đột phá làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định trật tự an toàn của địa phương. Đồng thời đây cũng là cơ hội để mỗi người dân phát huy quyền làm chủ của mình. 

Hai là, phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức, đoàn thể và lực lượng vũ trang trong công tác tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới. Bước đầu thực hiện thắng lợi Chương trình xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Linh xác định rõ vai trò của cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức, đoàn thể và lực lượng vũ trang có ý nghĩa hết sức quan trọng trong vận động các tầng lớp nhân dân và hội viên trên địa bàn cùng tham gia. Thực tế qua gần 5 năm thực hiện chương trình, huyện Vĩnh Linh đã rút ra được kinh nghiệm là nơi nào mà có sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể và lực lượng vũ trang, có sự hiểu biết, hưởng ứng và đồng thuận cao trong nhân dân về xây dựng nông thôn mới thì nơi đó dù khó khăn đến đâu, công cuộc xây dựng nông thôn mới cũng đem lại kết quả cao. 

Ba là, công tác tuyên truyền, vận động phải được thực hiện đa dạng, nhiều hình thức và phải gắn với các hoạt động thực tiễn. Huyện đã phát động mỗi ngành, mỗi đơn vị một phong trào để chung tay xây dựng nông thôn mới, nổi bật là các phong trào như “Vĩnh Linh chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Thắp sáng đường quê”, “Làng, bản, khóm phố; cơ quan, đơn vị; gia đình hưởng ứng tích cực phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới”, “Chung sức giúp đỡ xóa đói giảm nghèo 11 thôn bản đặc biệt khó khăn của huyện”… tạo phong trào thi đua sổi nổi trên khắp toàn huyện. 

Những khó khăn, vướng mắc trong quá thực hiện chương trình được giải quyết nhanh chóng, triệt để, tạo lòng tin cho nhân dân. Những cách làm hay, sáng tạo có sức lan tỏa được phổ biến kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để các xã khác vận dụng nhân rộng. Các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được biểu dương, khen thưởng xứng đáng, đó cũng là đòn bẩy kích thích vật chất và tinh thần để mọi nhà, mọi người chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Bốn là, làm tốt công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt các cấp. Huyện rất chú trọng đến công tác xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Mỗi một cán bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản, đặc biệt là các thành viên ban chỉ đạo chương trình phải được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về xây dựng nông thôn mới; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ nòng cốt. Huyện cũng đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham quan nhằm chia sẻ học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương, đơn vị trong và ngoài huyện. 

Năm là, coi trọng và phát huy vai trò chủ thể của người dân. Huyện nghiêm túc thực hiện quy chế dân chủ từ khâu rà soát, lập quy hoạch đến triển khai thực hiện đề án xây dựng nông thôn mới, đảm bảo người dân được biết, được bàn bạc đóng góp ý kiến, được tham gia, được kiểm tra, giám sát và được hưởng lợi. Mặt khác, để người dân hiểu rõ nguyên tắc: Người dân là chủ thể, huy động nội lực từ cộng đồng là chính, Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ một phần, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chính vì thế, mỗi người dân Vĩnh Linh đều tin tưởng, phấn khởi, hăng hái đóng góp công sức, tiền của cùng địa phương chung tay xây dựng nông thôn mới. 

Sáu là, chú trọng khâu lập và thực hiện kế hoạch. Để chủ động trong quá trình thực hiện chương trình, Vĩnh Linh đã lập kế hoạch cụ thể cho từng thời kỳ, từng giai đoạn. Huyện đã tiến hành điều tra, nắm chắc tình hình cơ bản của 19 xã trong huyện. Từ đó phân ra nhóm xã có hiện trạng cơ sở hạ tầng tốt, có điều kiện thuận lợi thì giao kế hoạch để các địa phương thuộc nhóm đó triển khai và phấn đấu hoàn thành sớm. Vì điều kiện khó khăn mà huyện giao kế hoạch cho 3 xã miền núi của huyện sẽ về đích chậm hơn nhưng cũng không được sau năm 2020. Với quan điểm dễ làm trước khó làm sau, trong quá trình làm cũng có sự ưu tiên, đặc biệt là những đơn vị làm điểm, đơn vị khó khăn nhằm tạo cho 19 đơn vị xã của huyện đều có điều kiện để thực hiện và hoàn thành chương trình. 

Bảy là, tích cực huy động mọi nguồn lực xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Để hoàn thành chương trình cần phải có nguồn lực khá lớn. Rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển, Vĩnh Linh đã huy động tổng hợp từ nhiều nguồn. Lấy nguồn lực huy động tại chỗlà quan trọng, sự hỗ trợ của ngân sách là cần thiết và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm và con em đang sinh sống ở mọi miền đất nước. 5 năm qua, Vĩnh Linh đã huy động gần 50 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính xây dựng được 5 trạm y tế, 6 trường học, đường sá và một số công trình phúc lợi khác. Nguồn vốn đóng góp của nhân dân hơn 40 tỷ đồng, hơn 1.000 ngày công, nhiều hiện vật và hàng ngàn mét vuông đất được người dân hiến tặng. 

Ngoài sự đầu tư của Nhà nước, Vĩnh Linh đã huy động được hơn 400 tỷ đồng nguồn vốn ODA và NGO để lồng ghép xây dựng nông thôn mới, trong đó quỹ Ả rập - Xê út tài trợ hơn 330 tỷ đồng. Các nhà hảo tâm và con em xa quê thành đạt ủng hộ hơn 3 tỷ đồng xây dựng các công trình phúc lợi và đóng góp cho các quỹ khuyến học, khuyến tài ở địa phương. Đặc biệt xã Vĩnh Thạch được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bảo trợ. Đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm, vừa là yếu tố quan trọng giúp cho Vĩnh Thạch, xã nghèo của Vĩnh Linh quyết tâm và sớm hoàn thành Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Việc 3 xã của Vĩnh Linh đạt chuẩn sớm nhất so với toàn tỉnh và bước đầu đã gặt hái được những thành công trong thực hiện chương trình có ý nghĩa rất to lớn. Đây là sự khích lệ, động viên các địa phương trong toàn huyện cùng quyết tâm xây dựng thành công nông thôn mới. Quyết tâm của huyện là phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành với quy mô toàn huyện và là huyện điển hình về xây dựng nông thôn mới. Để quyết tâm đó biến thành hiện thực, ngoài sự nỗlực của Đảng bộ và nhân dân trong toàn huyện, rất cần sự quan tâm giúp đỡ của lãnh đạo tỉnh, của các ban, ngành và bạn bè trong và ngoài tỉnh. 

Vĩnh Linh trong những năm đánh Mỹ được mệnh danh là mảnh đất lũy thép. Trong tiến trình xây dựng lại quê hương, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Vĩnh Linh lại được tôn vinh là mảnh đất lũy hoa. Phát huy truyền thống đó, với những bài học rút ra từ giai đoạn đầu thực hiện, tin chắc Vĩnh Linh sẽ hoàn thành sớm Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và sẽ là một trong những địa phương cán đích đầu tiên của cả nước. 

          TRẦN HỮU HÙNG (Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh)

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay1,371
  • Tháng hiện tại116,960
  • Tổng lượt truy cập8,317,257
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây