Giúp nông dân áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất

Thứ ba - 24/07/2018 04:53
Những năm qua, việc chuyển giao các ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Triệu Phong được quan tâm và đạt những kết quả tích cực. Qua đó, giúp nông dân dần thay đổi các biện pháp canh tác cũ, tăng năng suất, sản lượng so với phương thức sản xuất truyền thống, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Mô hình trồng mướp đắng tại xã Triệu Vân, Triệu Phong
Mô hình trồng mướp đắng tại xã Triệu Vân, Triệu Phong

Cùng Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Vân Hồ Xuân Đức, chúng tôi đến thăm mô hình trồng mướp đắng đang phát triển trên địa bàn xã. Đứng giữa những giàn mướp đắng xanh tốt, sai quả, chị Phan Thị Đặng ở thôn 9 cho biết, cách đây 5 năm, vùng đất này gia đình chị chỉ trồng khoai lang và các loại rau đậu khác nên giá trị kinh tế đem lại rất thấp. Sau khi được sự quan tâm hướng dẫn về chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao của cơ quan chuyên môn huyện, năm 2012 gia đình chị đã chuyển sang trồng cây mướp đắng. Trước khi đưa cây mướp đắng vào trồng, chị và các hộ dân ở đây được tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch quả. Nhờ đó, năng suất cũng tăng dần lên qua từng năm. Đến nay, với 2 sào mướp đắng, mỗi vụ chị Đặng thu hoạch được khoảng 3 tấn quả, mang lại thu nhập khoảng 20 triệu đồng.

 

Ông Hồ Xuân Đức cho biết, xã Triệu Vân có 730 hộ gia đình với hơn 3.200 nhân khẩu, phân bố trên địa bàn 4 thôn, trong đó 3 thôn giáp biển với chiều dài bờ biển khoảng 6,4 km. Tổng số lao động trong độ tuổi là 1.305 người, trong đó số người làm trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản gần 1.000 người. Tuy nhiên do nằm ở vùng biển bãi ngang, chủ yếu là tàu thuyền có công suất nhỏ, đánh bắt gần bờ nên đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, trên cơ sở khảo sát thực tế, xã đã tích cực triển khai các mô hình sinh kế phù hợp. Ngoài mô hình thâm canh cây lúa trong vụ đông xuân, chính quyền xã vận động, khuyến khích người dân trồng và nhân rộng các loại cây trồng cạn có chất lượng cao trên cát như đậu đen xanh lòng, mướp đắng, dưa leo, ném kiệu… theo hình thức luân canh, xen canh gối vụ, vừa tăng hệ số sử dụng đất vừa nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Đặc biệt, sau sự cố môi trường biển năm 2016, tranh thủ sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, xã đã đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các hộ gia đình và nhóm hộ xây dựng một số mô hình kết hợp với mở các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi như nuôi gà thả vườn, lợn F1, trồng cỏ nuôi bò nhốt. Đến thời điểm này, toàn xã đã có gần 100 gia trại, trang trại sản xuất, chăn nuôi. Nâng thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2017 tăng lên 28 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 13,4% và đạt 13/18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

 

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Triệu Phong Trần Văn Nhuận cho biết, những năm qua, huyện Triệu Phong đã có nhiều giải pháp tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Các xã đã dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, thâm canh tăng năng suất lúa và hoa màu. Đặc biệt, từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh và địa phương, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã triển khai nhiều mô hình có quy mô như các mô hình sản xuất theo hướng canh tác tự nhiên, lúa hữu cơ sử dụng phân bón Ong biển, trồng dứa nguyên liệu, cây có múi, đậu đen xanh lòng và ném, kiệu trên vùng cát… Đồng thời tổ chức hàng trăm lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăm sóc, phòng bệnh trên cây trồng, con nuôi cho nông dân. Nhờ vậy, khi thực hiện các mô hình, nông dân đã áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời theo dõi, đánh giá và so sánh giữa sản xuất truyền thống với việc áp dụng tiến bộ khoa học- kỹ thuật mới để rút ra kinh nghiệm sản xuất đạt hiệu quả cao hơn.

 

Cũng theo ông Nhuận, khó khăn của huyện Triệu Phong hiện nay là quá trình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất cho nông dân còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chuyên môn giỏi chưa nhiều, một bộ phận người dân chưa mạnh dạn đầu tư các mô hình sản xuất canh tác mới, ngại rủi ro. Một số hộ dân thiếu vốn sản xuất, thời tiết bất lợi cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất. Vì vậy, trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các cấp, ngành cần nỗ lực trong việc nhân rộng những mô hình hiệu quả có ứng dụng khoa học - kỹ thuật để người dân áp dụng. Cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để người dân mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đem lại hiệu quả kinh tế cao trên cùng một diện tích đất sản xuất. “Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện, cũng như tận dụng các nguồn lực từ các chương trình, dự án để đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản thông qua nhiều hình thức như xây dựng mô hình trình diễn, nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở các lớp tập huấn, dạy nghề nhằm làm thay đổi cách nghĩ, cách sản xuất của nông dân. Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích, giúp nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu, làm cho đời sống người dân vùng nông thôn ngày càng được cải thiện”, ông Nhuận nhấn mạnh.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập3
  • Hôm nay801
  • Tháng hiện tại49,448
  • Tổng lượt truy cập8,142,984
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây