Dấu ấn của tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 03/08/2015 20:46
Xác định tầm quan trọng và trách nhiệm của tổ chức đoàn trong công tác xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Trị đã phát động trong toàn đoàn phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, trong đó tập trung triển khai theo 7 nội dung chính: Tuyên truyền; Xây dựng hạ tầng, cảnh quan và bảo vệ môi trường; Phát triển kinh tế; Xây dựng đời sống văn hoá; Giữ gìn an ninh, trật tự; Xây dựng Đoàn, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền nhân dân; Tổ chức các đội trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới.
Các đoàn viên thanh niên tình nguyện làm sân phơi cho người dân xã Hướng Hiệp
Các đoàn viên thanh niên tình nguyện làm sân phơi cho người dân xã Hướng Hiệp
      Để phong trào đạt kết quả cao, ngay từ bước triển khai đầu tiên, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng với nhiều hình thức phong phú. Các tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới đã được cụ thể hóa qua các hội thi, hội diễn văn nghệ, biểu diễn tiểu phẩm, hội thảo, tọa đàm, đối thoại với thanh niên nông thôn. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên còn chú trọng công tác biên tập, in ấn các sản phẩm tuyên truyền trực quan về xây dựng nông thôn mới như: tờ rơi, ấn phẩm tuyên truyền... Tỉnh đoàn cũng đã xây dựng chuyên trang tuyên truyền trên các phương tiện thông tin của đoàn, đồng thời làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phản ánh kịp thời hoạt động của Đoàn Thanh niên các cấp tham gia xây dựng nông thôn mới. Việc đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đã giúp đoàn viên, thanh niên hiểu đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa của xây dựng nông thôn mới, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên thông qua những việc làm cụ thể. 

      Kể từ khi phong trào đi vào thực tiễn đời sống xã hội, ở khắp các làng quê, nhiều đường làng ngõ xóm dần khang trang, sạch đẹp hơn từ những dấu ấn công trình thanh niên qua phong trào“Thắp sáng đường quê”, “Bê tông hóa giao thông nông thôn”. Các tuyến đường liên thôn, liên xóm được chỉnh trang, tu bổ và bê tông hóa, lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa của nhân dân địa phương với những vùng lân cận, thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã thành lập các đội thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới chuyên đảm nhận các nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương. 

     Tính đến thời điểm này, các cấp bộ đoàn đóng góp hơn 150.000 ngày công tu bổ, nâng cấp, chỉnh trang và làm mới 204 km đường giao thông nông thôn; 87 km hệ thống kênh mương thủy lợi; đảm nhận 228 “Con đường thanh niên xây dựng nông thôn mới”, 205 km công trình “Ánh sáng đường quê”; khai thông trên 46 km kênh mương nội đồng; xây mới và tu sửa 48 nhà nhân ái, nhà tình thương ... Các đội hình thanh niên tình nguyện đã giúp đỡ nhân dân làm 3.132 chuồng trại chăn nuôi đúng quy cách; xây dựng 53 nhà tiêu hợp vệ sinh; 137 bể thu gom rác thải; 114 điểm thu gom rác thải trên địa bàn dân cư; đảm nhận 65 tuyến “Đường thanh niên tự quản”; thành lập được 75 đội hình thanh niên xung kích thu gom rác thải trên địa bàn dân cư. Các cấp bộ đoàn đã tổ chức được 189 buổi tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi; thành lập và duy trì 3 mô hình hợp tác xã thanh niên; hỗ trợ cho 915 hộ thanh niên vươn lên thoát nghèo... Phối hợp tổ chức 14 sàn giao dịch việc làm tại các huyện giúp cho 7.200 đoàn viên thanh niên có cơ hội tiếp cận việc làm; 214 thanh niên tham gia xuất khẩu lao động. Hỗ trợ thanh niên lập dự án vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho Đoàn Thanh niên với tổng dư nợ trên 105 tỷ đồng. Điểm nhấn trong phát triển kinh tế ở nông thôn là việc xây dựng và mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác phát triển kinh tế trong thanh niên nông thôn. Việc duy trì, nhân rộng các mô hình này đã tạo sự liên kết tự thân, tại chỗ trên địa bàn dân cư giúp thanh niên nông thôn lập thân, lập nghiệp và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương. 

        Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư được tăng cường đã hướng cho đoàn viên thanh niên nông thôn xung kích đi đầu bài trừ các hủ tục lạc hậu, gương mẫu thực hiện các quy ước của cộng đồng, nhất là thực hành tiết kiệm, văn minh trong việc cưới, việc tang. Thành lập các CLB, tổ, nhóm cung cấp kiến thức, thông tin về tình yêu, hôn nhân, gia đình; duy trì và phát triển các loại hình câu lạc bộ gia đình trẻ, câu lạc bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình. Các hoạt động này góp phần từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần của đoàn viên, thanh niên và cũng là phương thức thu hút tập hợp thanh niên tham gia các hoạt động đoàn, hội ở địa phương. 

       Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ trong tham gia các hoạt động giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn, các cấp bộ đoàn đã củng cố và phát triển các đội thanh niên xung kích an ninh, câu lạc bộ phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tổ chức có hiệu quả các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông, đảm nhận giáo dục, cảm hóa thanh thiếu niên chậm tiến. Qua 3 năm, toàn đoàn đã đăng ký nhận cảm hóa 327 thanh thiếu niên chậm tiến, trong đó có 104 trường hợp sau 1 năm không có hành vi vi phạm mới, 162 trường hợp tiến bộ, tái hòa nhập cộng đồng, 61 trường hợp đang tiếp tục theo dõi, giúp đỡ; hỗ trợ cho 139 phạm nhân cải tạo tốt. 

      Từ việc bám sát địa bàn dân cư đã giúp cho chất lượng quản lý đoàn viên tại cơ sở nâng lên rõ rệt, hoạt động của BCH đoàn xã và các chi đoàn thôn, bản được tập trung củng cố. Cũng chính từ các phong trào thi đua, từ hiệu quả công việc, tại các địa phương, nhiều nhân tố tích cực, đoàn viên ưu tú được giới thiệu, bồi dưỡng phát triển đảng; nhiều cán bộ trẻ khẳng định được uy tín và năng lực, được bổ nhiệm giữ các chức danh lãnh đạo hay được cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm phân công tham gia tổ công tác giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. 

       Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên cũng đã làm tốt công tác phối hợp với các ngành trong việc xây dựng các đội hình trí thức trẻ tham gia xây dựng nông thôn mới với nhiều hình thức góp phần bổ sung sinh lực cho các địa phương. Đã có 7 trí thức trẻ được tăng cường về làm Phó Chủ tịch UBND xã thuộc huyện miền núi Đakrông qua Dự án “Tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo”; 40 trí thức trẻ tham gia phát triển kinh tế - xã hội các xã khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa qua Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế- quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020”. Các đội hình trí thức trẻ, nòng cốt là sinh viên về tình nguyện tại các xã điểm xây dựng nông thôn mới qua các chiến dịch tình nguyện cũng đã tạo được dấu ấn sâu sắc trong nhân dân bằng những hoạt động tình nguyện thiết thực, hiệu quả, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. 

      Có được những kết quả đó trước hết là vì chương trình đã khơi dậy khát vọng cống hiến, khẳng định mình của thanh niên. Bên cạnh đó là việc xác định những nội dung cụ thể, rõ ràng, phù hợp và dễ áp dụng để chương trình nhanh chóng đi vào thực tiễn. Công tác chỉ đạo luôn nhất quán quan điểm: Bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh, nắm đặc thù từng địa phương và thế mạnh của tuổi trẻ; thực hiện theo phương châm: “chọn nội dung cụ thể, rõ việc, rõ mô hình”, vận động đoàn viên, thanh niên đột phá, xung kích vào những việc khó, việc mới trong các chỉ tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác chỉ đạo điểm theo hướng mỗi năm tập trung sâu vào một số nội dung cụ thể, địa bàn cụ thể để làm điểm tạo mô hình, sau đó sẽ phổ biến cho các địa phương tiếp tục nhân rộng. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng tăng cường công tác tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của tỉnh và phối hợp các sở, ban, ngành liên quan, các tổ chức, đơn vị kinh tế trên địa bàn để tạo cơ chế, nguồn lực thuận lợi nhất cho các hoạt động. 
       Những kết quả bước đầu đạt được trong giai đoạn 2011-2015 đã đem đến cho tổ chức đoàn nhiều kinh nghiệm quý báu, đồng thời chứng tỏ khả năng đóng góp tích cực, hiệu quả của thanh niên và tổ chức đoàn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Các hoạt động dần đi vào chiều sâu, uy tín của tổ chức đoàn không ngừng được nâng cao, tạo được sự chuyển biến thực sự về nhận thức, trách nhiệm của ĐVTN, đặc biệt là khơi dậy vai trò chủ thể, tạo niềm tin của cộng đồng dân cư vào tuổi trẻ. Những kết quả đó đang được lực lượng thanh niên nhân rộng ở mỗi làng, xã, tạo khí thể sôi nổi, góp phần cùng toàn xã hội chung sức xây dựng bộ mặt nông thôn Quảng Trị ngày càng đổi mới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Khánh Vũ

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập78
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm77
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại76,287
  • Tổng lượt truy cập8,169,823
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây