Chú trọng đào tạo nghề cho nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ tư - 10/01/2018 21:37
Nét nổi bật là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phù hợp với nhu cầu thực tế, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, quy hoạch xây dựng NTM ở các địa phương.
Chế biến dầu lạc ở Cam Lộ. Ảnh: PV
Chế biến dầu lạc ở Cam Lộ. Ảnh: PV

Đến nay, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả rà soát hiện trạng tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, tiêu chí đạt bình quân toàn tỉnh là 13,25 tiêu chí/xã. Toàn tỉnh hiện có 31/117 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 26,5%. Tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM trong 6 tháng đầu năm 2017 là 3.480.957 triệu đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là 183.509 triệu đồng, vốn lồng ghép các chương trình, dự án là 212.285 triệu đồng, vốn huy động doanh nghiệp, HTX là 17.440 triệu đồng và vốn tín dụng 3.050.740 triệu đồng.

 

Nét nổi bật là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã phù hợp với nhu cầu thực tế, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển sản xuất, kinh doanh, quy hoạch xây dựng NTM ở các địa phương. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo cho 1.262 lao động nông thôn, giải quyết việc làm cho 7.300 lượt người, trong đó 3.515 người làm việc trong tỉnh, 2.058 người làm việc ngoài tỉnh và 560 lao động làm việc ở nước ngoài.

 

Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo đa chiều đến cuối năm 2016 là 16,54%. Mặc dù quá trình triển khai thực hiện việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả nhất định, tuy nhiên chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn thấp, vẫn còn tình trạng đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu dẫn đến việc không ít lao động nông thôn tham gia học nghề nhưng không thể áp dụng vào thực tiễn hoặc không gắn bó lâu dài với nghề.

 

Một số nghề phi nông nghiệp vẫn đào tạo mang tính hình thức, người lao động sau đào tạo khó có việc làm do tay nghề yếu và thiếu kinh nghiệm. Một số nghề nông nghiệp như trồng rau an toàn, nuôi trồng thủy sản… hướng dẫn người nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất trên nền tảng kinh nghiệm sẵn có, tuy nhiên để phát huy hiệu quả kinh tế đòi hỏi một sự đầu tư lớn, trong khi mức vay hỗ trợ ưu đãi thấp. Điều này khiến không ít hộ nông dân sau khi học nghề phải bỏ ngang hoặc triển khai không hiệu quả vì khó khăn về vốn và kỹ thuật.

 

Ngoài ra, chương trình, giáo trình dạy nghề còn nhiều bất cập, đội ngũ giáo viên nhìn chung còn thiếu và yếu về chuyên môn. Một số trung tâm dạy nghề cấp huyện chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, không đảm bảo yêu cầu dạy và học. Một số cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ cơ sở chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn dẫn đến thiếu sâu sát trong công tác tuyên truyền, vận động, làm cho việc triển khai đào tạo nghề chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 

Để công tác dạy nghề cho lao động nông thôn phát huy hiệu quả, cần gắn với giải quyết việc làm, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của đào tạo nghề. Đầu tư các điều kiện bảo đảm tăng quy mô và nâng cao chất lượng dạy nghề như nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị; xây dựng và ban hành các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tế theo hướng nâng cao năng lực thực hành, xây dựng ý thức nghề nghiệp, việc làm.

 

Bên cạnh đó cần đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, quan trọng nhất vẫn là xác định nghề dạy phù hợp với đối tượng, địa bàn, lợi thế, nguyện vọng của nông dân. Mở rộng và đa dạng hóa loại hình dạy nghề, tạo điều kiện, cơ hội cho lao động nông thôn có nguyện vọng học nghề đều được đáp ứng. Đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; có chính sách thu hút và sử dụng giáo viên dạy nghề.

 

Tăng cường công tác quản lý đào tạo nghề như rà soát quy hoạch mạng lưới; nâng cao năng lực dự báo nguồn nhân lực; xây dựng kế hoạch đào tạo bảo đảm về số lượng và cơ cấu gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức dạy nghề thông qua các mô hình sản xuất điển hình và nhân rộng, gắn chương trình dạy nghề với phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả thực chất và bền vững, việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề vừa phải xuất phát từ nhu cầu của người lao động, đồng thời phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và trình độ của người dân.

 

Tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 theo Quyết định số 630 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 19 của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”; tổ chức triển khai có hiệu quả đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược về dạy nghề là đào tạo nghề trình độ cao đáp ứng nhu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn, những vùng kinh tế trọng điểm, các khu công nghiệp để góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động trong nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm và xây dựng NTM.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập84
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại76,447
  • Tổng lượt truy cập8,169,983
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây