Cần duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Chủ nhật - 13/12/2015 19:46
Theo số liệu thống kê, đến nay toàn tỉnh Quảng Trị có 4 xã chính thức “cán đích” nông thôn mới là Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) và Tân Hợp (Hướng Hóa). Các xã Triệu Thành (Triệu Phong), Gio Sơn (Gio Linh), Hải Thượng (Hải Lăng), Tân Liên (Hướng Hóa) đã đạt 19/19 tiêu chí, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số tiêu chí nông thôn mới đã đạt được của 117 xã trong tỉnh là trên 1.330. Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo nhiều địa phương đã và đang nỗ lực “cán đích” xây dựng nông thôn mới, việc giữ vững các tiêu chí đạt được là không đơn giản. Một số tiêu chí “mềm” như: an ninh - trật tự xã hội, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, văn hóa, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất… sẽ không bền vững nếu thiếu sự đồng lòng, đồng sức từ chính quyền và người dân.
Đoàn viên, thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới
Đoàn viên, thanh niên chung sức xây dựng nông thôn mới
“Cán đích” nông thôn mới sớm hơn một năm so với kế hoạch, bộ mặt xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) đã có nhiều thay đổi. Đời sống của người dân được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 31 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm còn 3,86%. Tuy vui mừng trước thành quả đạt được, lãnh đạo xã Vĩnh Thủy vẫn trăn trở tìm các giải pháp để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Ông Phan Ngọc Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy chia sẻ: “Được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới là niềm vinh dự rất lớn đối với chính quyền và nhân dân địa phương. Hiện tại, điều khiến chúng tôi rất quan tâm là làm sao để nâng cao chất lượng, tăng tính bền vững cho các tiêu chí. Đặc biệt, các tiêu chí “mềm” như: an ninh, trật tự xã hội, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường… rất khó giữ vững. Chẳng hạn như chỉ cần trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc có xâu ẩu gây rối, thì năm đó xã không duy trì được tiêu chí an ninh, trật tự xã hội. Trong khi đó, hiện nay, bên cạnh những cái tích cực, tốt đẹp, những mặt trái, tiêu cực vẫn luôn tiềm ẩn trong xã hội, có thể nảy sinh bất cứ lúc nào”. 

Ở huyện miền núi Hướng Hóa, xã Tân Liên được đánh giá là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới. Hiện tại chính quyền địa phương đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Các thiết chế phục vụ sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục ở xã được xây dựng kiên cố, khang trang. 80% đường giao thông trên địa bàn được nhựa hóa, bê tông hóa. Toàn xã có 100% hộ gia đình được sử dụng điện, nước sạch, không còn nhà ở tạm bợ, dột nát. 100% thôn của xã được công nhận danh hiệu văn hóa; 96,4% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn chỉ còn 3,74%. Trong các tiêu chí địa phương đã đạt được, lãnh đạo xã Tân Liên luôn đặc biệt quan tâm đến hai tiêu chí thiếu tính bền vững là môi trường và thu nhập. 

“Mặc dù đã xây dựng thành công nông thôn mới nhưng lãnh đạo xã chúng tôi luôn tuyên truyền, nhắc nhủ nhân dân không nên hài lòng với thành quả đã thu được. Xuất phát từ thực tế địa phương, chúng tôi thấy rằng, khoảng cách giữa đã đạt và không còn đạt của một số tiêu chí là khá nhỏ. Ở tiêu chí môi trường, nếu người dân không nêu cao ý thức chung, bỏ rác không đúng nơi quy định, xả rác thải bừa bãi thì khó mà giữ chuẩn. Về tiêu chí thu nhập, nếu cán bộ miệt mài vận động tuyên truyền mà nhân dân không chăm chỉ lao động, sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật… thì rất khó giữ được”, ông Phan Châu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Liên cho biết. 

Theo nhận định chung của lãnh đạo các địa phương, những tiêu chí “mềm” như an ninh trật tự xã hội, môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, văn hóa, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất… dễ thực hiện nhưng khó giữ. Muốn các tiêu chí này bền vững thì phải phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của nhân dân. Vì vậy, điều tiên quyết là phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động ở cộng đồng. Đội ngũ cán bộ xã cần thường xuyên bám sát cơ sở để gần dân và hiểu dân, phải nêu cao tinh thần gương mẫu đi đầu, nói đúng, làm đúng thì dân mới tin theo và chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới. 

Bên cạnh đó, tùy vào thực tế mà chính quyền và nhân dân địa phương có thể triển khai các phương án một cách linh động như củng cố, xây dựng những tổ tự quản, tổ dân phòng và nhân rộng các mô hình hay để đảm bảo an ninh trật tự; tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm gắn với việc chỉnh trang nông thôn nhằm đảm bảo tiêu chí môi trường; vận động người dân chăm lo lao động, sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật để tăng thu nhập; thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư… 

Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Vì thế, không phải đã đạt chuẩn là địa phương sẽ kết thúc xây dựng nông thôn mới. Sau khi “cán đích”, mỗi địa phương còn phải tiếp tục nỗ lực để giữ vững và phát triển các tiêu chí đạt hiệu quả cao hơn, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Trị. 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại80,530
  • Tổng lượt truy cập8,174,066
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây