Vĩnh Thủy chú trọng phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp

Thứ tư - 28/10/2020 22:59
Hiện nay xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) là miền quê giàu tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp toàn diện, hiệu quả và mang tính bền vững. Vĩnh Thủy đã đánh thức và khai thác hiệu quả từ lợi thế này cùng với sự nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo của cán bộ, Nhân dân để hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp trang trại, gia trại tiêu biểu, hiệu quả cao, trong đó có nhiều mô hình đi đầu trong toàn tỉnh, tạo ra được giá trị sản phẩm hàng hóa cũng như khẳng định thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
Phát triển mô hình cây ăn quả ở xã Vĩnh Thủy - Ảnh: MĐ​
Phát triển mô hình cây ăn quả ở xã Vĩnh Thủy - Ảnh: MĐ​
 
Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy Phan Ngọc Nghĩa cho hay, thế mạnh của xã Vĩnh Thủy chính là phát triển kinh tế nông nghiệp. Xác định rõ điều đó, xã đã đưa ra nhiều giải pháp, kế hoạch khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương; đầu tư mở mang các trang trại, gia trại về quy mô, số lượng, chất lượng; tuyên truyền, vận động Nhân dân cải tạo vườn tạp trồng các loại cây có giá trị, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích và đáp ứng nhu cầu thị trường; đồng thời vận động Nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ngoài việc đầu tư phát triển các loại cây truyền thống, Vĩnh Thủy còn tập trung khai thác nguồn lực trong Nhân dân, cùng với các chương trình dự án đưa vào đầu tư mở rộng diện tích một số loại cây ăn quả có giá trị trên thị trường như thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh…, tiến đến làm thương hiệu cho các sản phẩm để có điều kiện thâm nhập sâu vào thị trường, tăng thu nhập cho người dân.
 
Những năm qua, xã Vĩnh Thủy tích cực đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế vùng gò đồi; đưa vào sản xuất nhiều cây trồng mới, xây dựng nhiều mô hình kinh tế tổng hợp trang trại, gia trại; thực hiện dồn điền đổi thửa đã tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp… Người dân Vĩnh Thủy phát huy tốt nội lực trong lao động sản xuất, với mục tiêu tăng năng suất và chất lượng của cây trồng, vật nuôi, tạo ra giá trị sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Theo thống kê, tổng diện tích gieo trồng hằng năm của toàn xã đạt 1.418,7 ha, trong đó diện tích cây lúa 1.123 ha.
 
Bên cạnh kinh nghiệm gieo cấy cây lúa nước, người dân còn tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, giống mới… nên năng suất, sản lượng và chất lượng đều cao. Trong đó, nổi bật là đã hình thành một số mô hình sản xuất chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật tiêu biểu như mô hình sản xuất lúa giống với diện tích 30 ha; sản xuất cánh đồng mẫu lớn Thủy Ba Hạ 120 ha; ứng dụng công nghệ sinh học, phân bón hữu cơ 110,8 ha… mang lại hiệu quả kinh tế cao.
 
Bên cạnh thế mạnh cây lúa, cây cao su được xem là cây trồng chủ lực mang lại nguồn thu nhập cao. Thời gian qua, cây cao su bị thiệt hại do thiên tai, chính quyền địa phương đã có sự quan tâm trong việc hỗ trợ người dân, đồng thời làm tốt công tác kê khai hỗ trợ thiệt hại theo đúng quy định của nhà nước để duy trì và phát triển diện tích cây cao su. Tổng diện tích cây cao su hiện có khoảng 1.004 ha, trong đó, diện tích cho khai thác 940 ha, sản lượng 4.794 tấn mủ nước. Cây hồ tiêu có 12 ha, trong đó cho thu hoạch 9 ha, năng suất 15 tạ/ha, sản lượng 13,5 tấn. Hiện nay, xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trong Nhân dân về cải tạo vườn tạp, thay thế cây trồng có năng suất, sản lượng thấp sang các loại cây trồng mới cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Đã thực hiện mô hình cải tạo vườn tạp cho 50 hộ gia đình với diện tích khoảng 3 ha để phát triển cây ăn quả như bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ.
 
Từ những chủ trương đúng đắn đó, cây ăn quả đã trở thành cây trồng thế mạnh với diện tích 106 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 77,07 ha, doanh thu ước đạt trên 10,9 tỉ đồng. Công tác phát triển và bảo vệ rừng thực hiện có hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền vận động Nhân dân làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, xã luôn quan tâm, bám sát các chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển cây lâm nghiệp để chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả. Hằng năm, thực hiện trồng mới luân phiên 250 ha, nâng tỉ lệ che phủ các loại rừng lên 62%; chú trọng phát triển trồng rừng gỗ lớn, với 52 hộ tham gia diện tích 113,8 ha. Sản phẩm thu từ khai thác rừng trồng mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình.
 
Chăn nuôi được xem là ngành quan trọng mang tính truyền thống, có hiệu quả, vì thế Vĩnh Thủy tiếp tục đầu tư theo hướng bền vững trong mỗi hộ gia đình, đồng thời khuyến khích phát triển theo hướng trang trại, gia trại bán công nghiệp. Nhiều hộ gia đình đã đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi xa khu dân cư và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng số lượng, nâng cao về quy mô đàn nuôi cũng như đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi. Đến cuối năm 2019, tổng đàn gia súc 8.143 con, gia cầm 97.850 con. Nhiều loại giống thủy sản có chất lượng cao được đưa vào nuôi trồng đem lại hiệu quả kinh tế. Diện tích cá nước ngọt hơn 71 ha, nuôi nhiều loại cá có giá trị, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
 
Nổi bật là mô hình nuôi cá nước ngọt “sông trong ao” của ông Trần Công Thạo, thôn Thủy Ba Đông, thực hiện trên diện tích 5.000 m2 , đối tượng chính được thả nuôi là cá chép. Tổng mức đầu tư gần 1,2 tỉ đồng. Ông Thảo cho biết, mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao” là hệ thống bể nuôi cá có thiết kế đặc biệt. Ở đầu mỗi bể có các hệ thống ống dẫn thổi khí liên tục tạo thành dòng chảy như ở các sông suối tự nhiên, có đáy thảm bê tông cứng, có máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy... bảo đảm đủ điều kiện sống tối ưu cho cá. Đây là quy trình công nghệ mới nuôi cá cho hiệu quả cao, khắc phục được tình trạng cá chết hàng loạt do ô nhiễm nguồn nước; cá được nuôi thả liên tục, thường xuyên… Đây là mô hình đầu tiên được triển khai trên địa bàn tỉnh, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
Mô hình kinh tế trang trại, gia trại được Vĩnh Thủy quan tâm đầu tư phát triển, với khoảng hơn 130 mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh Lê Phước Hóa, thôn Tân Thủy, người tiêu biểu trong phát mô hình kinh tế nông nghiệp cho biết, năm 1993, anh lên vùng gò đồi Tân Thủy để phát triển kinh tế mới. Những ngày đầu lập nghiệp, gặp vô vàn khó khăn tưởng chừng như không trụ nổi, nhưng với quyết tâm thay đổi cuộc sống gia đình, anh đã đầu tư phát triển cây cao su, cây hồ tiêu, cây ăn quả và phát triển chăn nuôi. Đến nay, mô hình kinh tế trang trại cho kết quả cao với 3 ha cây cao su, gần 1 ha trồng ổi, bưởi da xanh, trồng dưa hấu… và phát triển chăn nuôi bò, gia cầm…, với doanh thu hằng năm trên 200 triệu đồng. Thời gian tới, anh dự tính đầu tư phát triển thêm gần 1 ha cây ổi, bưởi da xanh, thanh long ruột đỏ…, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm nông sản có chất lượng cao. Từ sự phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại đã góp phần quan trọng vào phát triển khá toàn diện nền nông nghiệp địa phương. Từ việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các mô hình kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, nhiều sản phẩm nông sản của Vĩnh Thủy được người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh biết đến, tin tưởng sử dụng, qua đó từng bước đưa Vĩnh Thủy trở thành điểm đến hấp dẫn về một miền quê có nhiều sản phẩm nông sản chất lượng cao…

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập63
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại84,405
  • Tổng lượt truy cập8,284,702
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây