Phát triển làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Gio Linh

Thứ ba - 11/02/2020 21:14
Những năm qua, huyện Gio Linh luôn quan tâm đến việc phát triển các làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tạo ra nhiều mặt hàng sản phẩm có chất lượng cao, có sức cạnh tranh lớn trên thị trường; tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân, xoá đói giảm nghèo, làm giàu cho mình, làm giàu cho quê hương...
Làng nghề đan lát Phước Thị tạo nhiều việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ảnh: HN
Làng nghề đan lát Phước Thị tạo nhiều việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ảnh: HN
 
Trong giai đoạn 2010-2018, chương trình khuyến công tỉnh và huyện Gio Linh đã đầu tư hỗ trợ 32 đề án khuyến công và tổ chức các hội thảo, điều tra khảo sát với tổng kinh phí 1.255 triệu đồng. Bên cạnh đó, với nguồn vốn khuyến công quốc gia, đã tiến hành đào tạo nghề cho 370 lao động, trong đó nghề sản xuất ván ghép thanh 80 lao động, nghề may công nghiệp 200 lao động, nghề hấp cá 90 lao động, với tổng kinh phí 193 triệu đồng. Trong quá trình triển khai chương trình khuyến công, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CN-TTCN đã mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị sản xuất, giải quyết việc làm ổn định và tăng thu nhập cho người lao động, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất. Các doanh nghiệp, cơ sở được hưởng lợi từ chương trình khuyến công ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước. Người lao động được đào tạo nghề có việc làm ổn định và thu nhập tăng cao so với khi chưa được đào tạo.
 
Hiện nay, toàn huyện có trên 200 cơ sở chế biến thủy sản, tập trung chủ yếu ở các xã, thị trấn vùng ven biển, trong đó có 140 cơ sở hấp cá; chế biến nước mắm 10 cơ sở có quy mô lớn và hơn 25 hộ gia đình chế biến nhỏ lẻ; chế biến ruốc đặc, ruốc lỏng và các loại mắm, sứa có 5 cơ sở có quy mô lớn và trên 50 hộ gia đình tự sản, tự tiêu. Trong những năm qua, ngành nghề chế biến thủy, hải sản phát triển khá mạnh, sản lượng chế biến khoảng 12.000 tấn/năm, chủ yếu tập trung vào nghề hấp cá. Về quy mô, năng lực chế biến, đối với hấp cá, bình quân mỗi cơ sở hấp và phơi từ 35-85 tấn/năm; đối với chế biến nước mắm, bình quân từ 10.000-15.000 lít/cơ sở/năm; đối với chế biến ruốc đặc và ruốc lỏng bình quân 2-2,5 tấn/năm.
 
Các nghề truyền thống trên địa bàn huyện Gio Linh được khôi phục, duy trì và phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Toàn huyện hiện có 16 làng nghề truyền thống và trên 1.600 cơ sở hoạt động trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề nông thôn, thu hút khoảng trên 5.000 lao động. Nhiều làng nghề truyền thống được duy trì và phát triển mạnh như nghề đan lát ở Lan Đình (Gio Phong), Phước Thị (Gio Mỹ), chằm nón, bún bánh ở Linh Hải; hấp sấy cá, sản xuất nước mắm, ruốc ở các địa phương vùng biển... Với sự nỗ lực, quyết tâm của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và hoạt động phát triển của các nghề và làng nghề đã nâng cao thu nhập cho người lao động, ước tính bình quân từ 3-3,5 triệu/người/tháng. Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị (Gio Mỹ) cho biết, nghề đan lát truyền thống làng Phước Thị có từ hơn 500 năm, với những sản phẩm như thúng, rá rổ, giần sàng… Đây là những sản phẩm gắn liền với sinh hoạt thường ngày của người dân và lao động sản xuất nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, làng Phước Thị có 150 hộ, 700 khẩu, trong đó có hơn 40 hộ còn giữ gìn làng nghề đan lát truyền thống, những hộ còn lại vẫn còn làm nghề này nhưng không thường xuyên. Trong làng Phước Thị từ già đến trẻ đều có thể làm nghề truyền thống đan lát với nhiều công đoạn khác nhau để cho ra đời những sản phẩm chất lượng, đẹp, đa dạng về mẫu mã, ước thu nhập bình quân từ 120.000-150.000 đồng/người/ngày.
 
Thông qua các chương trình khuyến công và xúc tiến thương mại, UBND huyện Gio Linh đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các địa phương cùng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tập trung xây dựng và đưa các sản phẩm thủy, hải sản đi quảng bá, giới thiệu trong nước, bước đầu đã mang lại một số kết quả khả quan. Điển hình đó là sản phẩm nước mắm của các cơ sở: Khai Hà, Song Gái, The Phụng, Huyền Đan, Lợi Nhớ; ruốc, sứa, mắm rò Hoàng Việt đã được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng. Đã xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm nước mắm: Khai Hà, Song Gái, The Phụng, Huyền Đan. Công bố chất lượng cho sản phẩm nước mắm Lợi Nhớ, O Huề, Song Hiếu; ruốc, sứa, mắm rò Hoàng Việt, ruốc, mắm nêm Phụng The. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm rau xà lách xoong Gio An; nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm nước mắm Cửa Việt...
 
Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, phát triển các làng nghề truyền thống CN-TTCN đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của huyện. Tuy nhiên, sự phát triển của các làng nghề truyền thống CN-TTCN vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Vì thế, huyện Gio Linh tập trung xây dựng, triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp chỉ đạo để các làng nghề truyền thống CN-TTCN phát triển bền vững, hiệu quả hơn. Cụ thể như để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường và đảm bảo tình hình trật tự an toàn giao thông trong nghề chế biến thủy hải sản, UBND huyện đã quy hoạch xong chi tiết xây dựng Cụm Công nghiệp Đông Gio Linh - Khu vực Cửa Việt với quy mô 20ha. Động viên, khuyến kích, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở chế biến thuỷ, hải sản về đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường, an toàn giao thông… Khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp và người dân đầu tư nâng cao chất lượng các loại sản phẩm, lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của địa phương để trưng bày, giới thiệu tại các điểm du lịch, các hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao; chủ động tìm kiếm, tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm hàng hóa, nhất là sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh của huyện. Bên cạnh đó, huyện chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh để tranh thủ sự hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng nhãn mác, thương hiệu sản phẩm các mặt hàng để nâng cao giá trị, chất lượng, uy tín sản phẩm đưa các sản phẩm chủ lực của huyện Gio Linh ra thị trường trong, ngoài nước, mang về nguồn thu nhập ổn định cho người dân, qua đó, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội huyện Gio Linh.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay927
  • Tháng hiện tại49,574
  • Tổng lượt truy cập8,143,110
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây