Đưa sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng

Thứ tư - 28/10/2020 22:51
Sau gần 2 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), toàn tỉnh có 19 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó 2 sản phẩm đạt mức phân hạng 4 sao và 17 sản phẩm đạt mức phân hạng 3 sao. Việc đẩy mạnh quảng bá và tạo không gian thương mại để sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng là điều rất cần thiết.
Sản phẩm OCOP được bày bán tại thành phố Đông Hà - Ảnh: B.B​
Sản phẩm OCOP được bày bán tại thành phố Đông Hà - Ảnh: B.B​
  
Chương trình OCOP bước đầu đã thu hút nhiều chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cá nhân tham gia, qua đó giúp các địa phương tìm kiếm, phát triển được nhiều sản phẩm hàng hóa đặc trưng, có thế mạnh. Tuy nhiên, việc đưa các sản phẩm OCOP rộng rãi ra thị trường, nhất là vào hệ thống kênh bán lẻ, tiêu thụ hiện nay để đông đảo người tiêu dùng biết đến vẫn gặp nhiều khó khăn.
 
Ngay ở vị trí mặt tiền cửa hàng AOI FOOD trên đường Trần Hưng Đạo, thành phố Đông Hà, có một góc riêng bày bán các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Trị, điển hình như cà phê Khe Sanh, dầu lạc nguyên chất Super Green của Công ty TNHH MTV Từ Phong, các loại tinh dầu của cơ sở sản xuất Huyền Thoại Lê, cà gai leo An Xuân, tinh bột nghệ… Đại diện cửa hàng cho biết, nhiều khách hàng ở ngoại tỉnh khi đến tham quan cửa hàng rất quan tâm và thích thú với các mặt hàng OCOP, nhiều người mua với số lượng lớn mang về làm quà. Tuy vậy, trên thực tế nhiều người tiêu dùng tại thành phố vẫn chưa biết đến các sản phẩm OCOP một cách rộng rãi. Mặt khác, nếu không được tư vấn kỹ lưỡng, người mua hàng sẽ không hiểu rõ sản phẩm OCOP là như thế nào, khác gì so với các sản phẩm thông thường. Là khách hàng quen, thường xuyên mua thực phẩm AOI FOOD, chị Nguyễn Thị Thanh nói: “Tôi nhiều lần đến đây mua thực phẩm, rau củ quả nhưng trước đây ít để ý đến gian trưng bày sản phẩm OCOP. Từ khi biết tại đây bán các mặt hàng này, tôi đã giới thiệu cho bạn bè và họ hàng biết để có thể đến mua các sản phẩm chất lượng”.
 
Hiện nay, sản phẩm OCOP mới chỉ được bày bán ở thành phố Đông Hà và quy mô đang nhỏ, chưa nhiều người tiêu dùng biết đến. Tại các địa phương khác trong tỉnh, người tiêu dùng nếu có nhu cầu thì cũng rất khó để tiếp cận với các sản phẩm OCOP. Khó khăn lớn nhất hiện nay khiến cho các sản phẩm OCOP của tỉnh chưa thể vươn xa, chưa tạo dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường lớn là vấn đề liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhất là việc đưa vào hệ thống kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, các cửa hàng bán lẻ lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh vẫn chưa có mặt trong các siêu thị, hoặc ở chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh, thậm chí nhiều người tiêu dùng chưa biết sản phẩm OCOP là gì. Một số sản phẩm đã được gắn sao chủ yếu tiêu thụ trên thị trường tự do, nhiều cơ sở muốn liên kết để đưa sản phẩm vào siêu thị nhưng chưa biết làm thế nào. Trên thực tế, các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP chủ yếu là các hợp tác xã, hộ sản xuất, vì vậy mới chỉ mạnh về sản xuất mà còn yếu về thương mại hóa sản phẩm.
 
Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và thực hiện các hoạt động hỗ trợ, kết nối thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh. Mục tiêu là hình thành các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP của tỉnh và các sản phẩm địa phương nhằm xúc tiến bán hàng, thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP và sản phẩm địa phương. Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa, thâm nhập vào các hệ thống bán lẻ hàng hóa để nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ. Đây là một việc làm rất cần thiết nhằm hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết giữa nhà sản xuất với kênh bán lẻ theo hướng bền vững, thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP địa phương. Địa điểm giới thiệu, bày bán các sản phẩm OCOP cần ưu tiên lựa chọn đặt trong các khu di tích, các trung tâm thương mại, siêu thị. Chị Nguyễn Thị Duyên, ở thị trấn Diên Sanh, Hải Lăng cho biết: “Qua tìm hiểu và sử dụng, chúng tôi yên tâm tin tưởng chất lượng các sản phẩm được cấp chứng nhận OCOP, tuy vậy việc tìm mua các sản phẩm vẫn còn khó khăn. Do đó, việc hình thành các điểm bán lẻ sản phẩm OCOP sẽ là kênh để đưa sản phẩm ngày càng gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương”.
 
Một khi đã có các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP thì các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã sản xuất phải đảm bảo quy mô năng lực sản xuất, điều kiện an toàn thực phẩm và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu của các hệ thống bán lẻ. Cùng với đó, ngành chức năng cần hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở, hợp tác xã hoàn thiện sản phẩm, thực hiện các kiểm nghiệm để đánh giá các tiêu chuẩn về chất lượng, tiêu chuẩn về đảm bảo an toàn thực phẩm của sản phẩm, các phương thức truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Hỗ trợ tư vấn thiết kế, in ấn mẫu mã, bao bì, nhãn hiệu, nhãn mác sản phẩm để phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan và đáp ứng các yêu cầu của các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ thực phẩm.
 
Hy vọng khi hình thành được những không gian thương mại như vậy, kết hợp với việc đẩy mạnh quảng bá chương trình, người tiêu dùng sẽ biết thông tin và tiêu thụ sản phẩm, vừa tạo cơ hội để các cơ sở sản xuất cung ứng sản phẩm đạt chuẩn thứ hạng sao đến với thị trường, phát triển kinh tế theo đúng định hướng, mục tiêu mà chương trình quốc gia “Mỗi xã một sản phẩm - OCOP” đang hướng đến.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập117
  • Hôm nay10,985
  • Tháng hiện tại84,964
  • Tổng lượt truy cập8,178,500
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây