Cam Lộ đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất

Thứ năm - 28/10/2021 03:29
Nhằm tạo bước đột phá nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và thu nhập cho Nhân dân, giai đoạn 2016-2020, huyện Cam Lộ triển khai xây dựng 25 mô hình, dự án sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích; nghiên cứu thử nghiệm trên 10 cây dược liệu mới; khảo nghiệm 8 loại giống lúa mới đưa vào sản xuất. Các mô hình, dự án, cây trồng, giống mới giới thiệu và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ đã góp phần tích cực thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân và làm cơ sở khoa học cho tiếp tục định hướng phát triển gia trại, trang trại tổng hợp, nâng cao quy mô để hình thành vùng sản xuất hàng hóa có thế mạnh của địa phương.
Sản phẩm dược liệu Cà gai leo An Xuân được người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: T.H
Sản phẩm dược liệu Cà gai leo An Xuân được người tiêu dùng lựa chọn - Ảnh: T.H
 
Trên cơ sở phân tích đánh giá tiềm năng, lợi thế kinh tế trên 3 vùng trọng điểm, UBND huyện Cam Lộ chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác rà soát, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi có giá trị cao; ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích. Các mô hình, dự án chuyển giao khoa học công nghệ đều nhân rộng gắn với xây dựng sản phẩm OCOP địa phương.
 
Đối với cây lúa, đã khảo nghiệm đánh giá được một số giống lúa mới như Bắc Thơm 7, HN6, Thiên Ưu 8, Đài Thơm 8, VNR20 đưa vào cơ cấu bộ giống chất lượng cao chủ lực của huyện, nâng tỉ lệ giống ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao toàn huyện trên 90%. Dự án phát triển cây ăn quả tập trung cải tạo, chuyển đổi phát huy kinh tế vườn gắn với xây dựng vườn mẫu và hình thành liên vùng tập trung trên 20 ha cam, bưởi, quýt, gắn với xây dựng thương hiệu và lập hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP.
 
Mô hình trồng ổi thâm canh hữu cơ đã nâng cao giá trị kinh tế vườn hộ gia đình và hình thành trên 25 ha vùng chuyên canh tập trung gắn thương hiệu tập thể “Ổi Cam Lộ” do Hội Nông dân huyện quản lý, tiến tới xây dựng sản phẩm đạt OCOP từ 3 sao trở lên. Dự án ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chế biến sản phẩm hồ tiêu ở HTX hồ tiêu Cùa đã đưa máy sấy tiêu tươi vào hoạt động góp phần nâng chất lượng mẫu tiêu đen, kết hợp máy hút chân không, bao bì, nhãn mác, xây dựng thương hiệu theo chu trình OCOP, nâng giá trị lên 30% so với tiêu phơi truyền thống.
 
Mô hình thâm canh cây trồng có tưới, ứng dụng công nghệ tưới phun sương và tưới nhỏ giọt nhằm ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp với quy mô 50 ha (bao gồm các mô hình cây dược liệu 6 ha, cây hoa màu 30 ha, cây hồ tiêu 12 ha), giúp tiết kiệm được công lao động, chủ động thời gian tưới tiêu, giảm giá thành sản phẩm, đồng thời tăng hiệu quả trong việc bảo vệ cây trồng, khắc phục được hiện tượng rửa trôi, bạc màu đất ở vùng đất dốc.
 
Dự án trồng thử nghiệm một số cây dược liệu trên địa bàn huyện đã thử nghiệm trên 10 loại cây dược liệu mới, trong đó, cây chè vằng và cây cà gai leo đang hình thành vùng tập trung thâm canh theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi sản phẩm OCOP của tỉnh; cây an xoa đang được nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân rộng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và từng bước đăng ký bản quyền giống, xây dựng thương hiệu, tham gia vào chuỗi sản phẩm OCOP. Dự án chăn nuôi gà Cùa an toàn sinh học theo chuỗi giá trị sản phẩm triển khai năm 2019 với số lượng 10.000 con, nay đã tăng lên 30.000 con; xây dựng thương hiệu tập thể đang hoàn thành hồ sơ đánh giá sản phẩm OCOP, dự kiến đạt từ 3 sao trở lên và từng bước hoàn thành quy trình sản xuất giống để cung ứng cho vùng nuôi...
 
Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, huyện Cam Lộ có chính sách đầu tư hỗ trợ 50 - 70% giống mới; 30 - 50% chế phẩm sinh học và thức ăn; 30% hệ thống tưới tiết kiệm; 100% kinh phí tập huấn chuyển giao để xây dựng các mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Đồng thời, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông sản. Nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi các quy trình, kỹ thuật tiên tiến, đẩy mạnh đưa cơ giới vào sản xuất để nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm.
 
Nhờ đó, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương trên thị trường không ngừng được nâng lên, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện Cam Lộ đã được tỉnh công nhận sản phẩm OCOP và được đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu sản phẩm OCOP của tỉnh.
 
Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho hay, việc sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện nay công tác áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vẫn là yếu tố hàng đầu quyết định đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của cây trồng, vật nuôi. Tiến bộ khoa học kỹ thuật không chỉ ứng dụng trong canh tác, quy trình thâm canh, mà còn trong những quy hoạch, kế hoạch sản xuất đảm bảo hài hoà theo hướng hiện đại, mạnh dạn áp dụng công nghệ sinh học theo các tiêu chuẩn quy định của trong nước, cũng như các đơn đặt hàng của thị trường và xuất khẩu.
 
“Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người dân từ kiểu sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra những sản phẩm nông sản chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, giảm thiểu các tác động gây ô nhiễm môi trường và cải thiện môi trường sống ở nông thôn xanh, sạch, đẹp. Đặc biệt, thông qua ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo bước đột phá về các yếu tố năng suất tổng hợp, nâng cao hiệu quả kinh tế nông nghiệp và thu nhập cho Nhân dân; từng bước hình thành nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có trình độ thâm canh cao, hợp tác và liên kết bền vững”, ông Thanh cho biết thêm.
 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập46
  • Hôm nay7,447
  • Tháng hiện tại124,048
  • Tổng lượt truy cập8,324,345
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây