Cam Lộ chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ dược liệu

Chủ nhật - 21/11/2021 21:32
Phát triển các sản phẩm OCOP từ cây dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương, đơn vị. Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Cam Lộ chú trọng đầu tư phát triển cây dược liệu để ngày càng có nhiều hơn sản phẩm từ dược liệu được chứng nhận OCOP.
HTX Dược liệu Trường Sơn trồng cây hương nhu làm nguyên liệu sản xuất - Ảnh: T.T
HTX Dược liệu Trường Sơn trồng cây hương nhu làm nguyên liệu sản xuất - Ảnh: T.T
 
Huyện Cam Lộ là địa phương dẫn đầu tỉnh khi có nhiều sản phẩm được công nhận và xếp hạng trong chương trình OCOP. Trong đó, phần lớn sản phẩm OCOP ở huyện Cam Lộ đã được xếp hạng đều sản xuất, chế biến từ các cây dược liệu. Năm 2020, huyện Cam Lộ có 7 sản phẩm nông nghiệp địa phương được UBND tỉnh Quảng Trị công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 4 sao (chiếm 36,8% sản phẩm OCOP của toàn tỉnh). Trong đó, các sản phẩm như cà gai leo An Xuân, cao chè vằng Mai Thị Thủy và thực phẩm bảo vệ sức khỏe cao cà gai leo Lê Hồng Nhạn đạt 4 sao. Các sản phẩm đạt 3 sao gồm tinh chất dược liệu dưỡng da mẹ và bé của HTX Dược liệu Trường Sơn, dầu ăn cho bé Super Green, tinh bột nghệ vàng nguyên chất nghệ Cùa và cao cà gai leo Mai Thị Thủy.
 
Theo kế hoạch, năm 2021 huyện Cam Lộ có 4 sản phẩm đăng ký nâng cấp và 9 sản phẩm đăng ký mới tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Hiện tại, có 7 sản phẩm đủ điều kiện dự chấm điểm xếp hạng sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm nâng cấp gồm tiêu đóng gói của HTX hồ tiêu Cùa, dầu mè của Công ty TNHH MTV Từ Phong (Cụm Công nghiệp Cam Thành), gà Cùa Phương Gia Trang (Cam Nghĩa), gạo sạch Cam An (HTX Cam An). Có 5 sản phẩm mới gồm: Tinh chất lá tắm cho bé của HTX Trường Sơn, dầu óc chó Super Green của Công ty TNHH MTV Từ Phong, gà Cùa (Cam Chính), cao thìa canh, cao lạc tiên của Công ty TNHH Mai Thị Thủy (Cam Nghĩa). Trong 9 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng OCOP năm 2021, có 3 sản phẩm được chế biến từ cây dược liệu.
 
Để ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp tham gia đánh giá phân hạng OCOP, nâng cao giá trị nông sản địa phương, huyện Cam Lộ quan tâm hỗ trợ ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Giám đốc HTX Dược liệu Trường Sơn Lê Thanh Huệ cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi chú trọng phát triển vùng nguyên liệu sạch bằng việc trồng thử nghiệm thành công mô hình cây tràm năm gân để chế biến tinh dầu với diện tích 2 ha. Đây là giống cây có nguồn gốc từ Úc, dùng để sản xuất tinh dầu tràm. Qua trồng thử nghiệm cho thấy giống cây này rất phù hợp với các vùng đất ở Cam Lộ, hứa hẹn năng suất, chất lượng cao, đảm bảo nguyên liệu cho sản xuất.
 
Ngoài ra, HTX vừa hoàn thiện lắp đặt hệ thống máy móc hỗ trợ phân đoạn tinh dầu nhằm chuẩn hóa chất lượng sản phẩm với tổng trị giá hơn 600 triệu đồng, trong đó được nhà nước hỗ trợ 200 triệu đồng thông qua nguồn vốn khuyến công. Đây là sự quan tâm khích lệ rất lớn đối với HTX”. Đối với Công ty TNHH Cao dược liệu Mai Thị Thủy, đơn vị đã liên kết với các hộ trồng cà gai leo, chè vằng để có đủ nguyên liệu cung ứng cho sản xuất. Nhờ chú trọng áp dụng quy trình sản xuất an toàn sinh học, chỉ sử dụng phân hữu cơ và chế phẩm tự nhiên, công ty đã xây dựng được sản phẩm chất lượng như cao chè vằng đạt chứng nhận 4 sao, cao cà gai leo đạt chứng nhận 3 sao của OCOP.
 
Tại xã Cam Nghĩa, những năm gần đây, người dân đã chuyển những vùng đất trước kia trồng rừng và khoai, sắn hiệu quả thấp sang trồng các loại cây dược liệu như cây nghệ vàng, chè vằng, lá vằng, cà gai leo. HTX Cao dược liệu làng Định Sơn chuyên trồng và chế biến các loại cao dược liệu. Nhờ đầu tư máy móc hiện đại, tích cực xúc tiến thương mại, đến nay, HTX Cao dược liệu làng Định Sơn đã xây dựng thương hiệu tập thể đối với tất cả các sản phẩm, được vinh danh và đạt Top 10 thương hiệu tin cậy, sản phẩm chất lượng cấp quốc gia.
 
Toàn huyện Cam Lộ đã trồng khoảng 100 ha cây dược liệu, trong đó có 70 ha cây chè vằng, 15 ha cà gai leo, 3,5 ha cây an xoa, 1 ha cây ba kích tím, còn lại là cây đinh lăng, hà thủ ô, sâm Bố Chính... Diện tích cây dược liệu tập trung ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành, Cam Chính, Cam Nghĩa. Đây là những giống cây dược liệu phù hợp với đặc điểm đất đai, khí hậu ở địa phương, được nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên phát triển tốt, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như cây chè vằng, cà gai leo cho thu nhập khoảng từ 150- 200 triệu đồng/ha/ năm.
 
Với tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện Cam Lộ đã và đang xây dựng vùng chuyên canh cây dược liệu có quy mô 200 ha để cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề và doanh nghiệp chế biến cao dược liệu trên địa bàn. Dự án trồng thử nghiệm một số cây dược liệu trên địa bàn huyện đã triển khai trên 10 loại cây dược liệu mới, trong đó cây chè vằng và cây cà gai leo đang hình thành vùng tập trung thâm canh theo hướng hữu cơ gắn với chuỗi sản phẩm OCOP của tỉnh. Cây an xoa đang được nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân rộng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và từng bước đăng ký bản quyền giống, xây dựng thương hiệu, tham gia vào chuỗi sản phẩm OCOP.
 
Ngoài việc chú trọng vùng nguyên liệu để phát triển hiệu quả cây dược liệu gắn với sản phẩm OCOP, huyện Cam Lộ cũng như các địa phương nói chung cần chú trọng đến việc xây dựng chính sách ưu tiên trong sản xuất, đăng ký, lưu hành sản phẩm đối với dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong nghiên cứu chọn tạo giống và kỹ thuật trồng cho năng suất, chất lượng cao, trong sơ chế và chiết xuất dược liệu, sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Đồng thời tăng cường kêu gọi hợp tác, sản xuất dược liệu gắn với chế biến các sản phẩm, xây dựng cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư thiết bị máy móc chế biến sâu các sản phẩm dược liệu trên địa bàn.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập89
  • Hôm nay10,577
  • Tháng hiện tại68,701
  • Tổng lượt truy cập8,268,998
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây