Vĩnh Linh hướng tới sản xuất hồ tiêu bền vững

Chủ nhật - 28/05/2017 21:21
Thời gian qua, huyện Vĩnh Linh đã tích cực vận động nhân dân thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp, nhất là với việc phát triển cây hồ tiêu. Trong đó chú trọng đẩy mạnh cải tạo các vườn tiêu theo mô hình hồ tiêu sạch, bền vững nhằm tăng năng suất, sản lượng và chất lượng.
Diện tích cây hồ tiêu đang phát triển mạnh ở huyện Vĩnh Linh
Diện tích cây hồ tiêu đang phát triển mạnh ở huyện Vĩnh Linh

Hồ tiêu là loại cây trồng chủ lực và nổi tiếng của huyện Vĩnh Linh. Giống hồ tiêu Vĩnh Linh chính gốc có lá nhỏ, hạt vừa, tầng sinh trưởng rất cao. Sản phẩm hạt tiêu nơi đây có đặc trưng bởi vị cay và thơm. Hạt tiêu Vĩnh Linh là sản phẩm có danh tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng và được công nhận là đặc sản.

 

Thời gian gần đây giá tiêu khô trên thị trường lên cao và giữ ở mức ổn định từ 120 - 180 ngàn đồng/kg nên diện tích cây hồ tiêu ở huyện Vĩnh Linh phát triển khá nhanh. Đặc biệt, sau trận bão cuối năm 2013, khi những vườn cao su bị hư hại thì hồ tiêu ít bị gãy đổ nên nhiều địa phương vùng đông Vĩnh Linh đã chuyển đổi nhiều diện tích trồng cao su sang trồng tiêu.

 

Với những lợi thế về giá cả, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và thu hoạch tập trung chứ không phải thức khuya dậy sớm như khai thác mủ ở cây cao su, nên diện tích cây hồ tiêu trong những năm qua ở huyện Vĩnh Linh tăng ổn định. Trung bình mỗi năm toàn huyện phát triển trồng mới trên 100 ha.

 

 Hiện tổng diện tích hồ tiêu ở Vĩnh Linh đạt 1.230 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch 1.100 ha. Rất nhiều gia đình ở Vĩnh Linh có diện tích hồ tiêu từ 5 - 6 sào/ hộ. Với mức giá như hiện nay, mỗi vườn tiêu chừng 5 sào, thì sau 5 năm tuổi cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

 

Ngoài những vườn tiêu truyền thống nằm trong khuôn viên gia đình, nay có những diện tích được các địa phương quy hoạch đưa ra khu sản xuất tập trung. Đất mới, lại được nông hộ chăm sóc chu đáo, đúng quy trình kỹ thuật nên những vườn tiêu trồng mới sau này phát triển rất tốt.

 

 Đi qua địa phận các xã vùng đông Vĩnh Linh như Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim, Vĩnh Hòa… những vườn tiêu mới được trồng đang lên xanh mơn mởn, liền vùng, liền thửa, ngút ngàn tầm mắt.

 

Cây hồ tiêu được trồng ở vùng đất đỏ bazan phát triển rất nhanh nhưng cũng đòi hỏi sự chăm sóc kỹ càng. Để đầu tư 1 sào trồng hồ tiêu thì số vốn bỏ ra mua giống, choái, phân bón, khoan giếng không dưới 25 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc. Do suất đầu tư cao nên nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Linh vẫn trồng hồ tiêu theo cách truyền thống, vì thế hồ tiêu Vĩnh Linh năng suất vẫn ở mức thấp, dưới 1,5 tấn/ha.

 

Vì vậy, kế hoạch của huyện là đẩy mạnh cải tạo các vườn hồ tiêu theo mô hình hồ tiêu sạch, bền vững để không ngừng tăng năng suất, sản lượng và chất lượng. Theo đó, với hồ tiêu đã thu hoạch thì tập trung bón phân hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh, mời các nhà nông học về hướng dẫn phòng trừ mầm bệnh hại tiêu, khuyến khích nông dân sử dụng hệ thống tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ Israel nhằm góp phần nâng cao chất lượng hạt tiêu khô, đảm bảo mặt hàng xuất khẩu ra các thị trường có tính cạnh tranh cao ở châu Âu.

 

Với trồng mới, huyện xây dựng vườn ươm giống đạt chuẩn tại xã Vĩnh Kim để cung cấp giống tốt cho bà con trồng tiêu theo hướng hữu cơ. Vĩnh Kim là địa phương đầu tiên ở huyện Vĩnh Linh thí điểm mô hình trồng hồ tiêu theo quy trình chăm sóc bằng phương pháp sinh học. Nông dân chỉ sử dụng phân xanh, phân chuồng ủ hoai, phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây hồ tiêu khi mới trồng.

 

 Là một trong hơn 30 hộ trồng mới vườn hồ tiêu theo phương pháp sinh học ở Vĩnh Kim, gia đình ông Nguyễn Đình Quý, thôn Đông Tây có 5 sào hồ tiêu được chăm bón theo phương pháp mới, trong đó có 3 sào hồ tiêu cũ phục hồi và 2 sào trồng mới. Ông Quý được tập huấn cách trồng và chăm sóc hồ tiêu theo phương pháp sinh học nên áp dụng tốt vào thực tế. Trước hết, phải chọn giống tốt, choái lớn, bón phân chuồng hoai mục là chủ yếu, thường xuyên tưới nước về mùa hè để giữ độ ẩm và vun gốc cao để tránh nước đọng về mùa mưa. Tuyệt đối không cho nước ứ đọng trong vườn để tránh phát sinh các loại ký sinh trùng làm cây nhiễm bệnh. Phát triển mạnh cây hồ tiêu là hướng đi trong chiến lược phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững của huyện Vĩnh Linh.

 

 Hiện địa phương này đã quy hoạch trồng 2.000 ha hồ tiêu. Khả năng phát triển thêm diện tích hồ tiêu tại địa bàn của huyện vẫn còn vì tiềm năng đất đai còn rộng lớn, màu mỡ. Để phát triển cây hồ tiêu bền vững, huyện Vĩnh Linh đã thực hiện xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây hồ tiêu Vĩnh Linh.

 

Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00045 cho sản phẩm hạt tiêu Quảng Trị. Khu vực chỉ dẫn địa lý “Quảng Trị” cho sản phẩm hạt tiêu bao gồm: Thị trấn Hồ Xá và các xã Vĩnh Hiền, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa. Hiện nay, Phòng Nông nghiệp huyện đang xúc tiến thành lập HTX sản xuất kinh doanh hồ tiêu Vĩnh Linh thuộc Dự án “Hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý Việt Nam” do Cơ quan phát triển Pháp tài trợ trong giai đoạn 2016-2018.

 

Với mục tiêu tăng cường năng lực quản lý, tổ chức hiệp hội đại diện cho người trồng tiêu tại Vĩnh Linh; nghiên cứu thị trường nhằm đẩy mạnh việc thương mại hóa sản phẩm, trong đó tập trung hướng đến thị trường châu Âu. Bên cạnh đó, huyện đang nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Vĩnh Linh”, và tăng cường quảng bá sản phẩm tiêu Vĩnh Linh bằng nhiều cách làm khác nhau, từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường.

 

 Hiện sản phẩm “hồ tiêu Vĩnh Linh” do Công ty cổ phần Tổng Công ty thương mại Quảng Trị đóng gói với bao bì, nhãn mác bắt mắt được bày bán tại hệ thống siêu thị Sê Pôn. Trao đổi với chúng tôi về hướng phát triển cây hồ tiêu trong những năm tiếp theo, ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Vĩnh Linh, cho biết: Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hồ tiêu Vĩnh Linh là một trong những kế hoạch phát triển thương hiệu nông sản chủ lực của địa phương. Vì thế, huyện Vĩnh Linh đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan, đồng thời chỉ đạo các ngành, địa phương và người dân chú trọng việc xây dựng quảng bá hình ảnh hàng hóa nông sản Vĩnh Linh thông qua việc xây dựng thương hiệu, nhãn mác dùng chung tập thể; thực hiện liên doanh liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm….

 

 Ngoài sự nỗ lực của huyện, địa phương mong muốn được các cấp, ngành liên quan hỗ trợ chính sách trong quá trình xây dựng mối liên kết “4 nhà” nhằm đưa thương hiệu “hồ tiêu Vĩnh Linh” vươn ra thị trường xuất khẩu chính ngạch.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay19,798
  • Tháng hiện tại86,177
  • Tổng lượt truy cập8,286,474
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây