Vai trò của HTX nông nghiệp trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao.

Thứ ba - 16/07/2019 21:48
Trong những năm gần đây, tỉnh Quảng Trị đã tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và đã tạo ra những bước đột phá, từng bước thay đổi hình thức sản xuất, chuyển dần sản xuất nông nghiệp phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển từ nhỏ lẻ sang quy mô lớn, thực hiện có hiệu quả việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, khoa học, công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng, mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích và đem lại thu nhập cao cho người dân.
Nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Linh
Nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao ở Vĩnh Linh
Ông Nguyễn Giang, Giám đốc HTX Phước Thị, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh nói với chúng tôi rằng: Thực hiện sự chỉ đạo của xã về tái cơ cấu nông nghiệp, từ năm 2010, HTX đã dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn, sử dụng các loại giống mới và áp dụng các biện pháp thâm canh. Tuy nhiên, sản xuất theo lối truyền thống năng suất không cao và sản phẩm làm ra bán không được giá. Sau khi thảo luận, bàn bạc với Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Đại Nam, chúng tôi đã phối hợp tổ chức tập huấn kỹ thuật về quy trình kỹ thuật sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và từ vụ Hè Thu năm 2017, HTX đã quy hoạch đồng ruộng và tuyên truyền, vận động gần 80 hộ tham gia mô hình. Sau 4 vụ sản xuất trên diện tích 23 ha, gieo giống lúa có chất lượng cùng một ngày, quá trình chăm sóc chỉ sử dụng phân bón Ong Biển, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, kết quả cho thấy, năng suất tăng dần qua các năm,  như vụ Đông Xuân 2018-2019 vừa qua đạt 70 tạ/ha, thu nhập bình quân 35 đến 38 triệu/ha. Hiện nay HTX đang duy trì mô hình này và có kế hoạch sẽ mở rộng diện tích trong thời gian tới.
Không chỉ HTX Phước Thị và một số HTX sản xuất lúa hữu cơ, mấy năm trở lại đây nhiều nơi đã xây dựng và nhân rộng mô hình canh tác tự nhiên, mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Đặc biệt, một số nơi đã mạnh dạn áp dụng công nghệ cao để tạo ra những sản phẩm sạch, có chất lượng, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mà đây chính là cơ hội để vươn lên làm giàu, điển hình như mô hình trồng dưa lưới và dưa hấu trong nhà kính của HTX Trường Sơn, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh. Ông Lê Văn Sơn, Giám đốc HTX cho biết: Tháng 8 năm 2017, HTX đã đầu tư 968 triệu đồng cộng với huyện hỗ trợ 300 triệu, xây dựng hệ thống nhà màng khép kín, trồng 4.800 gốc dưa lưới Nhật bản trên diện tích hơn 2500 m2, lắp đặt hệ thống phun sương làm mát cho cây. Quá trình sản xuất hoàn toàn sử dụng phân hữu cơ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thực hiện đúng quy trình trồng và chăm sóc nên năng suất cao, tính ra 1 vụ lãi hơn 70 triệu đồng và 1 năm có thể trồng 3 đến 4 vụ. Ngoài dưa lưới, dưa hấu và rau trồng theo phương pháp này cũng cho nguồn thu nhập khá lớn. Đây thực sự là 1 tín hiệu vui, khẳng định trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu như ở Vĩnh Tú, nếu biết cải tạo, biết chọn lựa các loại cây trồng phù hợp và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao sẽ mang lại giá trị kinh tế lớn.  
Trong chăn nuôi, trên địa bàn cũng hình thành nhiều mô hình nuôi với quy mô lớn, áp dụng theo theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó phải kể đến mô hình của HTX Đoàn kết ở huyện Cam Lộ. Từ năm 2014, 7 hộ gia đình ở 2 xã Cam Nghĩa và Cam Chính đã thành lập HTX sản xuất kinh doanh Đoàn Kết, góp vốn, đầu tư xây dựng chuồng trại và liên kết lấy nguồn giống có chất lượng và thức ăn của Viện Chăn nuôi cung cấp, tổ chức nuôi lợn nái sinh sản và lợn thịt. Sau nhiều năm nuôi có hiệu quả, cuối năm 2018, tỉnh Quảng Trị đã quyết định hỗ trợ 200 con giống lợn thịt với mức hỗ trợ 70% giá lợn giống có trọng lượng từ 10 đến 15 kg/con, hỗ trợ 50% chi phí thức ăn và thuốc thú y cho lợn từ 10 - 40 kg, số tiền hỗ trợ 300 triệu đồng. Đây là 1 việc làm thiết thực nhằm khuyến khích mở rộng các mô hình theo chuỗi chăn nuôi VietGap. Ngoài các HTX đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất, chăn nuôi, gần đây, nhiều nơi trên địa bàn người dân đã tự nguyện thành lập các Tổ hợp tác, nhóm hộ, liên kết cùng nhau trồng rừng được cấp chứng chỉ FSC, trồng ném theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng tiêu theo hướng hữu cơ, nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng chế phẩm sinh học, nuôi gà an toàn sinh học.
Có thể nói, số HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa nhiều nhưng kết quả đạt được trong thời gian qua cho thấy chủ trương của tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã tác động dần chuyển hướng tích cực trong phát triển kinh tế tập thể và các HTX. Các HTX cũng đã chuyển biến về nhận thức, chủ động nghiên cứu, đầu tư ứng dụng tiến bộ công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế nông thôn. Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh: Để xây dựng và nhân rộng các mô hình nói trên cần phải có những giải pháp đồng bộ và phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ tỉnh cho đến cơ sở. Đối với Liên minh HTX sẽ triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực quản trị của các HTX, có như thế mới thích ứng với điều kiện sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh đó, tham mưu cho tỉnh và tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp, nhất là các chính sách phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng như tạo điều kiện về đất đai, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Mặt khác, tích cực tư vấn, hỗ trợ nguồn lực, giúp cho các HTX xây dựng mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm.
Trong sản xuất nông nghiệp, kinh tế tập thể và HTX đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt hiện nay để tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển và tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thấy rõ điều này, tỉnh Quảng Trị và các ngành chức năng đã ban hành các đề án và các chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Đồng thời, chỉ đạo ngành nông nghiệp và các địa phương tạo điều kiện cho các HTX và người dân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, chăn nuôi, biến điều kiện khăc nghiệt của khí hậu thời tiết để tạo ra lợi thế phát triển các sản phẩm chất lượng, có lợi thế cạnh tranh cao, tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động và thu nhập cho nông dân. 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập70
  • Hôm nay10,577
  • Tháng hiện tại69,035
  • Tổng lượt truy cập8,269,332
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây