Những mô hình hay, cách làm sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Thứ ba - 02/06/2015 21:59
Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), bên cạnh những kết quả đạt được đã nổi lên những cách làm hay, sáng tạo mà các địa phương, đơn vị, đoàn thể đã áp dụng hiệu quả. Đây thực sự là những điểm sáng để nhân rộng trên toàn tỉnh Quảng Trị, góp phần tiếp tục thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt hiệu quả cao nhất.
Người dân đã chủ động chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp để xây dựng nông thôn mới
Người dân đã chủ động chỉnh trang nhà cửa, cải tạo vườn tạp để xây dựng nông thôn mới
       Thời gian qua, “Thắp sáng đường quê” là một trong những cách làm sáng tạo được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và nhân rộng. Là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về phong trào “ Thắp sáng đường quê”, đến nay huyện Vĩnh Linh đã huy động được nguồn lực trên 4 tỷ đồng và trên 2.000 ngày công để thực hiện phong trào này. Nhờ vậy, đã có 132/195 thôn (bản), khóm phố trên địa bàn huyện có hệ thống đèn đường chiếu sáng về đêm với tổng chiều dài trên 1.670 km. “Thắp sáng đường quê” được xác định là công trình tự chủ, tự quản được thực hiện từ nguồn lực xã hội hóa, huy động sự đóng góp của người dân là chủ yếu. Công trình được thực hiện quy mô ở từng thôn, bản, khóm phố hướng đến mục đích tạo điều kiện đi lại của người dân được thuận lợi hơn, phục vụ quá trình phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng ở địa phương. Phương thức quản lý và điều hành chủ yếu do ban điều hành thôn, bản, khóm phố, các đơn vị liên quan tự quản lý. Chương trình “ Thắp sáng đường quê” gắn với chỉnh trang nông thôn mới ở huyện Vĩnh Linh đã thực sự tạo ra cảnh quan xanh, sạch, đẹp và sáng, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự và thực hiện nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng NTM.

         Ở huyện Hải Lăng, phong trào "Thắp sáng đường quê” cũng đã được triển khai thực hiện tại 92/95 thôn thuộc 19 xã với tổng chiều dài đường giao thông thắp sáng là 158 km, với 3.976 bóng điện các loại, ước tính kinh phí thực hiện trên 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh việc góp công và kinh phí để xây dựng hệ thống điện thắp sáng đường quê, nhân dân trên địa bàn huyện đã đồng thuận cao trong việc đóng góp kinh phí hàng tháng để chi trả tiền điện. Một số địa phương còn thực hiện miễn, giảm tiền điện cho các hộ nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, chính quyền các địa phương cũng đã trích một phần ngân sách để hỗ trợ, Ban phát triển các thôn vận động nhân dân và các HTX trên địa bàn cùng góp vốn để thực hiện.

        Mô hình “ Hố thu gom rác bảo vệ thực vật trên đồng ruộng” của Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh) được thực hiện từ đầu năm 2011. Theo đó, các bể bê tông đựng rác được đặt ở những vị trí thuận lợi, bên cạnh các trục đường chính dẫn ra đồng ruộng để thuận tiện cho người dân bỏ các chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Hội Nông dân đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân không vứt rác, xác chết súc vật xuống ao, hồ, kênh mương mà phải thu gom, xử lý đúng nơi quy định.

         Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, việc thu gom rác, thuốc bảo vệ thực vật đã trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Vĩnh Thủy. Với 15 hố thu gom rác, thuốc bảo vệ thực vật trên toàn xã, đây là mô hình đầu tiên trên địa bàn tỉnh góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại trên đồng ruộng. Hiện nay, mô hình này đang được các địa phương khác trong tỉnh nhân rộng, góp phần thực hiện có hiệu quả tiêu chí môi trường trong chương trình xây dựng NTM.

          Công tác di dời mồ mả, cải tạo đồng ruộng tại các xã Cam An, Cam Nghĩa và Cam Thủy (Cam Lộ) cũng được xem là một cách làm sáng tạo trong xây dựng NTM. Các địa phương này đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện di dời mồ mả, cải tạo đồng ruộng, mở rộng diện tích đất sản xuất, đẩy mạnh thực hiện cơ giới, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung. Kết quả, trong thời gian qua các xã đã vận động nhân dân di dời được 3.310 ngôi mộ về nghĩa trang tập trung theo quy hoạch, giải phóng và cải tạo được 89,26 ha diện tích đất cho sản xuất nông nghiệp.

         Phong trào “ Mở rộng đường giao thông nông thôn” của xã Triệu Phước (Triệu Phong) cũng là một cách làm hay nhằm huy động hiệu quả sức dân trong việc chung sức xây dựng NTM. Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã đã tổ chức phát động phong trào mở rộng đường giao thông nông thôn trên phạm vi toàn xã và ra quân đồng loạt tại 13 thôn. Giao cho các hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, tài sản, đóng góp ngày công để kiên cố hóa và mở rộng đường giao thông nông thôn. Nhờ vậy, đến nay toàn xã có trên 80% đường giao thông nông thôn được mở rộng từ 4-5 m, nhân dân đã tự nguyện hiến 6.500 m2 đất sản xuất, cây trồng các loại với tổng trị giá gần 300 triệu đồng, đóng góp công lao động quy ra tiền khoảng 700 triệu đồng để làm đường giao thông nông thôn.

        Phong trào cải tạo vườn tạp ở huyện Hải Lăng là một mô hình hay để các địa phương khác học tập, làm theo. Huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các hộ gia đình loại bỏ các loại cây tạp, cây có giá trị kinh tế thấp trong vườn nhà để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, phấn đấu mỗi vườn chỉ có từ 1-2 loại cây chủ lực. Bên cạnh đó, các đoàn thể trong huyện đã chủ động liên hệ cung ứng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế để giúp người dân cải tạo vườn tạp như chanh, bưởi, mãng cầu, mít tố nữ, rau củ các loại, đồng thời xây dựng các mô hình vườn tình nghĩa, vườn kiểu mẫu để các hộ dân học tập, làm theo. Phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT về trồng cây ăn quả, trồng ném...cho người dân. Nhờ vậy, đến nay huyện Hải Lăng đã có 2.364 hộ tham gia cải tạo vườn tạp, ước tính tổng kinh phí thực hiện trên 600 triệu đồng.

         Nhờ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nên quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo tại các địa phương. Đây thực sự là động lực để các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình xây dựng NTM, hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM một cách bền vững.

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập126
  • Hôm nay21,447
  • Tháng hiện tại95,426
  • Tổng lượt truy cập8,188,962
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây