Một xã đi đầu trong công tác đổi thửa dồn điền

Thứ năm - 28/08/2014 21:24
Đến thời điểm này, 100% diện tích ruộng đất trên địa bàn xã Triệu Thuận (Triệu Phong, Quảng Trị) đã hoàn thành công tác đổi thửa dồn điền (ĐTDĐ), tạo điều kiện thuận lợi cho người dân áp dụng tiến bộ KHKT, thâm canh tăng vụ, xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích.
Hệ thống kênh mương nội đồng ở xã Triệu Thuận (Triệu Phong)
Hệ thống kênh mương nội đồng ở xã Triệu Thuận (Triệu Phong)
Những cách làm hay

Là một vùng quê thuần nông, đa số người dân trên địa bàn xã Triệu Thuận sống dựa vào nông nghiệp. Tuy nhiên, thực tế tình hình sản xuất những năm qua cho thấy, do đất đai phân bố không đồng đều, ruộng bậc thang, nơi cao nơi thấp... nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước, ngập úng. Bình quân ruộng đất được giao cho các hộ còn ít, số thửa nhiều, manh mún do vậy thâm canh gặp khó khăn. Việc chuyển đổi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất chưa cao, đưa máy móc vào đồng ruộng còn hạn chế, quy hoạch đồng ruộng nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất. Do vậy, người dân chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, nhất là các vùng biền bãi, chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn. 


Trước tình hình ruộng đất quá manh mún, năm 2004, xã Triệu Thuận đã tiến hành ĐTDĐ, từ mỗi hộ có bình quân từ 8-10 thửa giảm xuống còn 3-5 thửa. Nhờ vậy, đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp, năng suất lúa tăng bình quân từ 105 tạ/ha (2003) tăng lên 111,2 tạ/ha (2012). Sau 10 năm thực hiện ĐTDĐ đã mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất và đời sống của người dân. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở địa phương cho thấy, ruộng đất sau ĐTDĐ vẫn còn manh mún gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất hàng hoá tập trung cũng như khai thác hết tiềm năng đất đai, tiến tới xây dựng cánh đồng mẫu lớn theo quy hoạch trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Từ vụ đông xuân 2013-2014, xã Triệu Thuận quyết tâm thực hiện ĐTDĐ trên 100% diện tích ruộng đất.

Đồng chí Đoàn Quang Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Triệu Thuận cho biết: “Bước đầu đi vào thực hiện ĐTDĐ gặp rất nhiều khó khăn do tập quán canh tác và tư duy sản xuất của nông dân, nhất là các hộ đang sản xuất trên diện tích ruộng thuận lợi không muốn thực hiện ĐTDĐ...Trước tình hình đó, cùng với công tác tuyên truyền, sự chỉ đạo mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể từ xã đến thôn và sự đồng thuận trong nhân dân, địa phương đã từng bước tháo gỡ khó khăn, thực hiện thành công ĐTDĐ trong thời gian ngắn nhất”.

Theo đó, xã đã thành lập riêng Ban chỉ đạo về ĐTDĐ và phân công cụ thể công tác đối với các thành viên. Tổ chức quán triệt, học tập, thông qua phương án ĐTDĐ trước đông đảo người dân địa phương, phân tích rõ những lợi ích lâu dài trong việc khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, đảm bảo việc sản xuất được thuận lợi hơn, phấn đấu mỗi hộ có từ 1-3 thửa, xoá bỏ tình trạng ruộng đất phân tán nhỏ lẻ. Nhờ vậy, nhân dân đã đồng tình cao trong việc thực hiện ĐTDĐ trên cả diện tích ruộng và đất màu. Sau khi tiếp thu ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân trên cơ sở công khai, dân chủ, Ban chỉ đạo ĐTDĐ xã đã điều chỉnh lại nội dung ĐTDĐ, thông qua cấp trên và tiến hành thực hiện ngay trong vụ đông xuân 2013-2014.

Trên cơ sở giữ nguyên quỹ đất hiện có của các đội sản xuất và số nhân khẩu được cấp theo Nghị định 64 của Chính phủ ngày 1/11/1994. Hệ số diện tích quy đổi giữa đất ruộng và đất màu là 1 ruộng bằng 1,3 đất màu. Đối với đường và kênh mương nội đồng, trước khi khoanh vùng, ghép thửa các đội sản xuất thực hiện quy hoạch đường giao thông nội đồng, các kênh tiêu, kênh tưới để tạo điều kiện cho tất cả các vùng sản xuất đều gần đường giao thông và thuận lợi cho việc tưới tiêu. Tiêu chuẩn của các tuyến đường chính ra đồng ruộng là 5 m, các đường ngang 3 m. Về kênh thoát nước, HTX đã tiến hành đào sâu, nắn thẳng, be bờ toàn bộ các tuyến kênh thoát, mở rộng kênh thoát chính đạt từ 1-1,2 m và kênh thoát nhánh là 0,8 m, mở rộng thêm một số kênh thoát theo đề xuất của người dân. Về phân phối ruộng đất cho các hộ gia đình, sau khi thực hiện các bước về quy hoạch, hoán đổi, căn cứ vào tình hình thực tế của các vùng ruộng, các loại ruộng để khoanh vùng, ghép thửa phù hợp.

Theo đó, mỗi hộ sau khi thực hiện ĐTDĐ còn lại từ 1-3 thửa (kể cả đất màu), các hộ có từ 1-2 khẩu ưu tiên bắt một thửa, hộ có 3 khẩu ưu tiên ở 1 vùng thuận lợi và bắt thêm 1 vùng khó. Các hộ gia đình chính sách, neo đơn được ưu tiên chọn vùng ruộng thuận lợi. Đối với các hộ đã cắt khẩu đi làm ăn xa không có người trực tiếp sản xuất ở địa phương được ghép lại một vùng chia với nhau để địa phương có kế hoạch quản lý phù hợp. Các đơn vị căn cứ tình hình thực tế ruộng đất để ghép vùng chia hoặc dùng cách bốc thăm xuôi ngược nhằm giảm bớt hệ số rủi ro trong quá trình phân phối...Bên cạnh đó, quá trình thực hiện ĐTDĐ địa phương đã đặc biệt chú ý đến việc quy hoạch lâu dài, phục vụ việc san ủi mặt bằng thực hiện quy hoạch cánh đồng mẫu lớn. Sau khi nhận ruộng mới, người dân đã chủ động đóng góp công sức, tiền của tiến hành san ủi mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sản xuất.

Kết quả đạt được

Trước khi chưa ĐTDĐ, gia đình ông Trương Thành Vinh, đội 2, xã Triệu Thuận có 4 sào ruộng khoán được chia rải rác ở 5 cánh đồng. Do vậy, công tác chăm sóc gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong việc chọn giống lúa, vì mỗi vùng sản xuất có một đặc điểm khác nhau nên buộc phải chọn các loại giống phù hợp. Ruộng đất manh mún nên ông cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đưa cơ giới vào sản xuất hay áp dụng KHKT... Sau khi địa phương có chủ trương thực hiện ĐTDĐ, ông Vinh nhất trí cao và rất phấn khởi khi ruộng đất được quy tụ về một vùng với 4 sào/thửa. Vụ đông xuân 2013-2014, sản xuất vụ đầu tiên trên thửa ruộng mới, ông Vinh đầu tư sản xuất đại trà giống lúa chất lượng cao HC95, năng suất đạt trên 3 tạ/sào, tăng 0,5 tạ/sào so với vụ trước. Bên cạnh đó, nhờ sản xuất lúa chất lượng cao nên giá trị kinh tế cũng cao hơn so với các loại giống cũ trước đây.

Ông Vinh cho biết: “Cái được lớn nhất mà ĐTDĐ đem lại là giúp nông dân tiết kiệm công chăm bón, thuận lợi trong việc áp dụng tiến bộ KHKT và năng suất cây trồng tăng cao. Bên cạnh đó, ruộng đất bằng phẳng, nguồn nước thuận lợi, đường sá đi lại dễ dàng nên tiết kiệm chi phí đầu tư sản xuất, người dân rất phấn khởi”.

Sau khi hoàn thành việc ĐTDĐ, mỗi hộ nông dân trên địa bàn xã Triệu Thuận được giao 1-3 thửa, trong đó hộ nhiều nhất là 4.000 m2/thửa, hộ ít nhất là 650 m2/ thửa. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác sản xuất và thu hoạch, các công trình chủ yếu như giao thông, thuỷ lợi, bờ vùng, bờ thửa trên từng xứ đồng ở các khu dân cư đã từng bước được hoàn thiện với tổng chiều dài trên 16 km, trong đó làm mới trên 8,6 km và nâng cấp mở rộng trên 7,6 km. Về kênh mương thoát nước, làm mới trên 3.000 m, nạo vét, nâng cấp trên 14.000 m. Tổng kinh phí thực hiện các công trình trên là 180 triệu đồng. Trên cơ sở ruộng đất được phân chia, người dân đã tiến hành cải tạo mặt bằng tạo nên những vùng thửa lớn, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, chăm bón và thâm canh tăng vụ.

Nhờ vậy, những vùng ruộng khó khăn như vùng ruộng cao, ruộng trũng được cải tạo phù hợp với nhu cầu sản xuất của từng hộ. Qua ĐTDĐ đã tạo nên những cánh đồng mẫu lớn, giúp xã có biện pháp chỉ đạo tập trung, thống nhất từ khâu làm đất, gieo mạ, xuống giống, điều tiết nước, phòng trừ sâu bệnh... Ruộng được cấy cùng loại giống, cùng quy trình chăm sóc. Nhờ giao thông nội đồng thuận tiện nên khâu làm đất, thu hoạch đều sử dụng máy móc, qua đó góp phần giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.

Kết quả, vụ đông xuân 2013-2014, giống chất lượng cao được đưa vào sản xuất đại trà trên 80% diện tích đồng ruộng của xã Triệu Thuận. Việc áp dụng cơ giới vào quá trình làm đất, thu hoạch được thực hiện đồng bộ và hiệu quả hơn. Đã có 67 máy cày, 20 máy gặt đập các loại, 165 công cụ sạ hàng được đưa vào đồng ruộng phục vụ sản xuất. Năng suất lúa đạt 60,23 tạ/ha, tăng trên 3,2 tạ/ha so với vụ đông xuân 2012-2013. Không chỉ với đồng ruộng, việc ĐTDĐ trên diện tích đất hoa màu cũng đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhiều vùng sản xuất hoa màu tập trung đã hình thành với nhóm cây chủ lực gồm: ớt, lạc, ngô, sắn...

Từ việc ĐTDĐ đã từng bước làm thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp của người dân. Nhờ ĐTDĐ, xã Triệu Thuận có điều kiện để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung phù hợp với điều kiện, lợi thế địa phương, góp phần làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Một điều đáng ghi nhận trong công tác ĐTDĐ ở Triệu Thuận đó là sự chủ động, không ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên, thiết nghĩ đây là một cách làm hay để các địa phương học hỏi trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Lệ Như

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập6
  • Hôm nay1,156
  • Tháng hiện tại49,803
  • Tổng lượt truy cập8,143,339
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây