Mô hình cánh đồng mẫu lớn ở Hải Lăng.

Thứ năm - 29/10/2015 22:52
Thực hiên kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hải Lăng là địa phương đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị đã xây dựng mô hình cánh đồng lớn. Tuy mới thử nghiệm ở 1 số xã và diện tích chưa lớn nhưng với những bước đi thích hợp, trong đó đáng chú ý là Nhà nước và Doanh nghiệp liên kết hỗ trợ cho nông dân nên bước đầu mang lại hiệu quả khá cao. Đây chính là cơ sở quan trọng để Hải Lăng tiếp tục nhân rộng mô hình.
Cánh đồng lớn tại xã Hải sơn, huyện Hải lăng
Cánh đồng lớn tại xã Hải sơn, huyện Hải lăng
   Cũng như nhiều nơi khác, lâu nay đồng ruộng ở xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phân tán, manh mún, nhiều bờ vùng, bờ thửa rất khó cho canh tác cũng như áp dụng các biện pháp cơ giới hóa, thâm canh, tăng năng suất nên chi phí sản xuất cao nhưng thu nhập lại thấp. Từ vụ Đông Xuân 2014-2015, khi huyện Hải Lăng có chủ trương xây dựng cánh đồng lớn, 90 hộ gia đình ở đây đã tự nguyện dồn điền đổi thửa, san ủi mặt bằng, xây dựng mô hình với diện tích 40 ha.
   Ông Hoàng Liêm, người dân xã Hải Lâm nói rằng: Trước đây gia đình tôi gồm có 2 mẫu ruộng tức là 1 ha nhưng lại nằm ở nhiều vùng khác nhau, việc canh tác rất khó khăn. Cho nên khi có chủ trương của huyện, của xã, lại được sự hỗ trợ của phòng nông nghiệp về xây dựng cánh đồng lớn, gia đình cùng với bào con trong HTX đã bỏ công sức san ủi, cải tạo mặt bằng, quy hoạch lại ruộng đồng. Qua 2 vụ sản xuất cho thấy mang lại rất nhiều lợi ích. Cả cánh đồng rộng lớn chỉ gieo cấy 1 loại giống, bón cùng 1 loại phân, khâu làm đất và khâu thu hoạch đều thực hiện cơ giới hóa, vừa nhanh vừa giảm được chi phí, việc thăm đồng, chăm sóc, thâm canh đều rất thuận lợi. Điều đáng nói hơn là năng suất lại tăng, chất lượng gạo ngon, bán được giá, lợi nhuận mang lại cao, nếu như trước đây 1 ha thu nhập khoảng 20,7 triệu đồng thì nay tăng lên gần 25 triệu.
    Xây dựng cánh đồng lớn là 1 trong những việc làm của huyện Hải Lăng nhằm tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Bước đầu huyện đã chọn 6 xã điểm gồm Hải Tân, Hải Sơn, Hải Lâm, Hải Quế và Hải Thượng thực hiện mô hình với diện tích 168 ha. Huyện đã hỗ trợ cho các HTX và bà con nông dân 50% giá giống lúa và thuốc bảo vệ thực vật, tiền mua máy sạ hàng và tổ chức các lớp tập huấn biện pháp canh tác “1 phải 5 giảm” kỹ thuật sản xuất thâm canh từ khâu chuẩn bị đất, gieo trồng, chăm sóc, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh hại.
   Đồng thời làm việc với các đơn vị cung cấp giống cam kết thu mua lúa đúng tiến độ cho nông dân, giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch. Thực tế cho thấy khi canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, người dân gặp rất nhiều thuận lợi từ khâu chăm sóc, điều tiết nguồn nước tưới cho đến áp dụng các biện pháp thâm canh cũng như khi thu hoạch, đặc biệt thực hiện cơ giới hóa các khâu sản xuất, giảm sức lao động và giảm chi phí. Điều đáng nói là thông qua việc chọn các loại giống lúa như Thiên Ưu 8, NA2 và lúa Thảo dược, không chỉ cho năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chống chịu một số sâu bệnh, mở ra hướng thay thế các loại giống đã thoái hóa, xuống cấp trong những năm tới, nhất là các xã ở vùng úng trũng như Hải Tân, rút ngắn thời gian thu hoạch vụ đông xuân, tạo điều kiện gieo cấy sớm vụ hè thu để tránh lũ sớm cuối vụ.
   Ông Đào Văn Trẩm, Phó trưởng phòng nông nghiệp huyện Hải Lăng cho biết: Các HTX và người dân đã áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất ở các cánh đồng lớn. Mô hình này mang lại hiệu ích về nhiều mặt như giảm được chi phí sản xuất 1 ha khoảng 800 ngàn đồng, trong khi đó năng suất cao, chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng, lợi nhuận đối với người sản xuất tăng lên 20 đến 25%. Điều quan trọng hơn là tăng tính cộng đồng, các hộ khi tham gia cánh đồng lớn có sự liên kết, hỗ trợ lẫn nhau và cùng có trách nhiệm trong mọi khâu. Vật tư đầu vào được cung ứng tốt, kịp thời, áp dụng kỹ thuật đồng bộ, giảm chi phí các dịch vụ làm đất, tưới nước, gieo cấy, thu hoạch, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường. Sản phẩm sau khi thu hoạch gắn với thị trường, tăng khả năng cạnh tranh so với trước đây.
    Có thể nói, cánh đồng lớn là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ, hình thành diện tích chung rộng lớn, tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới, giải quyết đầu ra ổn định cho nông dân. Chính vì vậy trong năm 2016 và những năm tiếp theo, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động và hỗ trợ cho các HTX và bà con nông dân nhân rộng mô hình. Đồng thời phối hợp với các Doanh nghiệp cung ứng giống có chất lượng, bao tiêu sản phẩm và có kế hoạch sản xuất 1 số loại gạo thương phẩm, xây dựng mẫu mã, nhãn hiệu hàng hóa, mục đích cuối cùng là nâng cao thu nhập cho người dân.
 
 

Tác giả bài viết: Bá Thuần

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập77
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại74,643
  • Tổng lượt truy cập8,168,179
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây