Lâm nghiệp cộng đồng một cách tiếp cận trong xây dựng nông thôn mới ở vùng sâu vùng xa tại tỉnh Quảng Trị

Thứ ba - 19/11/2013 19:49
Tỉnh Quảng Trị có diện tích khoảng 474.100 ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm ¾ diện tích toàn tỉnh. Từ khi có “Luật bảo vệ và phát triển rừng” (sửa đổi năm 2004), cho đến năm 2012, toàn tỉnh đã giao được trên 5.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn các huyện Đakrông, Hướng Hoá, Vĩnh Linh, và Cam Lộ; đây là những vùng nông thôn còn nhiều khó khăn, để phấn đấu đạt được 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) còn là một sự nghiệp phấn đấu lâu dài, phải phối hợp giữa các ngành trong tỉnh và lồng ghép trong nhiều khâu của tiến trình phát triển.
Ảnh:  Quy ước bảo vệ rừng của thôn, góp phần quản lý môi trường nông thôn miền núi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng sâu, vùng xa trong tỉnh
Ảnh: Quy ước bảo vệ rừng của thôn, góp phần quản lý môi trường nông thôn miền núi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng sâu, vùng xa trong tỉnh
        Ở góc độ tham gia xây dựng nông thôn mới, mà chủ yếu là duy trì và phát triển tốt hơn về môi trường sống và sản xuất, hướng tới góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong một bộ phận dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc; ngành Lâm nghiệp Quảng Trị xác định, giao rừng cho cộng đồng quản lý, không chỉ là một hoạt động góp phần thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời cũng coi đây là một cách tiếp cận việc xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng sâu, vùng xa, chủ yếu là đồng bào dân tộc, còn nhiều khó khăn cần được quan tâm phát triển để tạo ra sự phát triển đồng đều và bình đẳng giữa các vùng miền và giữa các bộ phận dân cư trong tỉnh.
           
I.  Kết quả bước đầu về cách tiếp cận xây dựng nông thôn mới (NTM) từ giao rừng cho cộng đồng quản lý (LNCĐ) ở Quảng Trị
1.  Chuyển đổi nhận thức về sở hữu, trách nhiệm và quyền hưởng lợi trong quản lý tài nguyên rừng  giao cho cộng đồng thêm bền vững
-  Trong giai đoạn từ 2005-2012, tỉnh Quảng Trị giao được trên 5.000 ha rừng cho cộng đồng quản lý, cho 37 cộng đồng thuộc các huyện có rừng, gồm: Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh và Cam Lộ.
-  Nhìn chung, vấn đề quản lý rừng cộng đồng trên các khu rừng được giao, mặc dù còn là vấn đề khá mới mới mẻ, nhưng đã được các thôn cơ bản quản lý tốt, giữ gìn môi trường sống sẵn có do thiên nhiên ban tặng, góp phần làm cho cuộc sống nông thôn thêm ổn định, an toàn và trong lành.
1.1. Chuyển biến về nhận thức quyền sở hữu và trách nhiệm khi quản lý tài nguyên rừng được giao
-   Luật bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi, năm 2004), đã cho phép cộng đồng được coi là một trong những chủ rừng mới (trong Luật), đã ngày càng được các cấp ngành lâm nghiệp ở tỉnh Quảng Trị, quan tâm, chủ trương đẩy mạnh phát triển, tiến hành giao rừng trên nhiều đối tượng khác nhau, như: mở rộng nhóm dân tộc (Bru-Vân kiều, Pa kô, Pahy, Kinh) đều được nhận rừng và đất lâm nghiệp, cộng đồng thôn bản có thêm nguồn khích lệ được Nhà nước tin tưởng giao trách nhiệm quản lý rừng.
-   Hầu hết các hộ dân và cộng đồng thôn bản được giao rừng, đã ý thức được, từ khi nhận rừng, cộng đồng và các hộ sinh sống trong thôn bản, thực sự là “chủ sở hữu” diện tích rừng được giao, được pháp luật thừa nhận, và phải có trách nhiệm giữ rừng, cho cộng đồng được an toàn về môi trường, như: có nước đầu nguồn được dẫn về thôn để sinh hoạt, có nguồn nước tưới tiêu ổn định cho ruộng đồng, hạn chế tình trạng sạt lở đất và lũ quét- chủ yếu do phá rừng gây ra,..., lâu nay thường xẩy ra cho vùng không còn đủ độ che phủ tối thiểu cần thiết của rừng, ở nhiều nơi trong nước, cũng như một vài nơi ở tỉnh Quảng Trị.
-  Cộng đồng đã xây dựng “Quy ước bảo vệ rừng”, một hình thức tự quản lý, vừa gắn kết được hình thức “quản lý tài nguyên” – theo truyền thống, và quản lý - theo Luật hiện hành của Nhà nước Việt nam.
1.2. Chuyển biến về nhận thức và thực tiễn về quyền sử dụng, hưởng lợi tài nguyên rừng
-  Hầu hết các thôn được giao rừng quản lý, đều đã hiểu được rằng, tài nguyên rừng là một loại tài sản mới, được Nhà nước giao lâu dài cho thôn, trong đó: có thể sử dụng cây gỗ để làm nhà và sửa nhà cửa, khi việc quản lý rừng tốt cho tăng trưởng gỗ rừng hàng năm có được, trong số diện tích giao, có khoảng: 5-30% tổng trữ lượng của các khu rừng đã giao, là những loài cây gỗ giá trị (dùng duy trì phòng hộ, làm nhà, hoặc được phép thương mại – khi có cơ chế chính sách trong quản lý rừng cộng đồng,...), các loài gồm: Gụ lau, Lim xanh, Huỷnh – Huyện,  Chủa,  Mít nài, ..., cộng đồng được lập kế hoạch khai thác gỗ làm nhà, dựa theo khả năng “cung” của rừng và “cầu” của cộng đồng thôn bản, hàng năm và 05 năm, trong đó có thể được khai thác trong khoảng 4-6 m3/hộ từ rừng cộng đồng để làm nhà và sửa sang nhà cửa (đặc biệt ưu tiên - khi tách hộ và hộ nghèo neo đơn), tuy nhiên cần phải làm đơn và được cộng đồng bầu chọn, và thực hiện lập hồ sơ kết hợp bài cây, báo cáo lên UBND xã và kiểm lâm địa bàn;
-   Trong rừng được giao, có nhiều loài lâm sản ngoài gỗ (LSNG), như: song, mây, lá nón, chổi đót, vỏ cây rừng, có thể hỗ trợ người dân thu hái trong mùa giáp hạt. Theo “Quy ước quản lý rừng cộng đồng”, các hộ trong thôn có quyền khai thác (theo vùng quy hoạch, theo mùa vụ,...) để có thể sử dụng cho sinh hoạt, như: lá cọ-lá gồi để lợp nhà, song mây tre để làm nhà, cây thuốc dân tộc để chữa bệnh,..., mà còn có thể góp phần thêm thu nhập bảo đảm “an toàn lượng thực” cho các hộ mùa giáp hạt, từ 1-3 tháng;
-  Có thể tổ chức cho nhiều lao động nông nhàn trong các hộ dân thuộc thôn giao rừng, tham gia vào quản lý, nâng cao hiệu quả kinh tế trên đất và rừng đã giao cho thôn bản và cho chính lao động đã tham gia.
2. Tổ chức quản lý rừng cộng đồng trong xây dựng mô hình NTM
-   Mỗi thôn được nhận rừng, đã bầu chọn một Ban Quản lý rừng cộng đồng (Ban QLR-CĐ), có đầy đủ thành phần, có nam, có nữ, có người già làng với những kinh nghiệm của địa phương, với những người trẻ nhiệt huyết trong công tác cộng đồng,  hình thành một bước về “bình đẳng giới” trong tổ chức các hoạt động quản lý rừng (nói riêng), góp phần xây dựng nông nghiệp và nông thôn mới (nói chung), bước đầu triển khai công tác quản lý, thông qua các hoạt động gắn giữa trách nhiệm và quyền lợi về môi trường và kinh tế, đặc biệt trên diện tích đã giao.
-   Trong một số thôn giao rừng thí điểm, do có “Quỹ bảo vệ và phát triển rừng” của thôn (trong khoảng: 4.000 – 7.000 Euro/2 thôn/1 xã thí điểm), là một nguồn quỹ ban đầu cần thiết, khi các Ban QLR-CĐ của thôn biết tổ chức tạo ra sự quản lý rừng bền vững và tạo sinh lợi từ đất và rừng đã giao cho cộng đồng.
3. Xây dựng mô hình và chính sách xây dựng NTM thông qua LNCĐ
3.1 Các giải pháp hỗ trợ kỹ thuật trong xây dựng chính sách LNCĐ
-   Lao động nông nhàn còn là phổ biến ở những vùng này cần được sử dụng hiệu quả cho lợi ích của cộng đồng và hộ dân, vì vậy các cấp ngành cần phối hợp để huy động sự tham gia của cán bộ nông-lâm nghiệp các cấp (cán bộ khuyến nông-lâm) tổ chức tập huấn, hướng dẫn bà con thôn bản về cách làm ăn có hiệu quả, cũng như thu hút sự tham gia của các đoàn thể quần chúng (chi đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, chi hội Phụ nữ thôn, chi hội Nông dân thôn,....)  trong các hoạt động của cộng đồng trên diện tích đã giao để sinh lợi nhiều hơn về môi trường và kinh tế.
-   Lồng ghép giải pháp kỹ thuật trong xây dựng nông thôn mới trong vùng rừng và đất lâm nghiệp đã giao cho cộng đồng, trong đó: có thể phát triển sinh kế dựa vào cộng đồng trên đất và rừng đã giao, hoặc có nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng- khi có các nguồn thu từ hoạt động thủy điện, cung cấp nước sạch,..., trong vùng giao rừng cộng đồng.
-   Xem xét việc biên soạn các tài liệu tập huấn về (i) nuôi dưỡng và phát triển rừng cho cộng đồng thôn bản, nhằm đưa rừng nghèo thành rừng trung bình, rừng trung bình thành rừng giàu hơn, nhằm thúc đẩy tăng trưởng của cây gỗ rừng, (ii) xử lý hạt giống một số loại cây rừng, chú trọng loài cây mọc nhanh và bản địa có giá trị – theo hướng “gieo hạt thẳng, nhằm giảm bớt suất đầu tư và công lao động cho trồng rừng cộng đồng, đang là một “sáng kiến mới” trong phục hồi rừng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế  ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị.
3.2 Những mô hình có thể  chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong NTM
a-) Cơ sở chuyển dịch kinh tế từ tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp
     Các trạng thái rừng IA, IB, hoặc IC, có thể sớm quy hoạch trồng các loài cây gỗ mọc nhanh, có chức năng phòng hộ và kinh tế kết hợp (vị dụ: Keo tai tượng, Keo lai, cây bản địa) cho các mô hình làm giàu và phục hồi rừng này. Tỷ lệ kết hợp, có thể xem xét, là bố trí 2/3 – 3/4 tổng số cây gỗ kinh tế - phòng hộ mọc nhanh (ví dụ: Keo các loại), và 1/4 - 1/3 tổng số cây bản địa của địa phương, nhằm phục hồi tài nguyên đất và phát triển kinh tế từ rừng và ổn định môi trường.
b-) Cơ sở chuyển dịch kinh tế từ tài nguyên gỗ rừng trung bình và rừng giàu
     Các trạng thái rừng IIIA1, IIIA2, IIIA3, cần hướng dẫn người dân và cộng đồng, quản lý bảo vệ cho tốt, để không chỉ nâng cao hiệu năng phòng hộ cho rừng và địa phương, kết hợp trồng bổ sung những nơi có đất “trống tán” (300 m2-500m2-1000 m2), theo hình thức trồng bổ sung vào khoảng trống trong rừng, cự ly trồng nên là 3 m x 3 m, hoặc thay đổi thích hợp theo loài cây “chịu bóng” hay “ưa sáng” – tuỳ vào từng địa phương. Ở các trạng thái trên, tiến hành nghiên cứu khai thác gỗ cho cộng đồng làm nhà (theo kế hoạch hàng năm, và kế hoạch 5 năm) kết hợp cho thí điểm “thương mại gỗ trong vùng” (địa bàn thuộc huyện quản lý, địa bàn nội tỉnh-thuộc tỉnh quản lý), để có thể bổ sung nguồn quỹ cho quỹ bảo vệ và phát triển rừng cộng đồng, vừa hộ trợ một phần lương thực tại chỗ cho các hỗ thiếu đất sản xuất, neo về sức lao động – ngay trong chính cộng đồng, vừa giúp các vùng lân cận, hoặc “miền xuôi” ngay trong từng tỉnh – có gỗ hợp pháp để làm nhà, làm ván hòm chôn cất, khi những cư dân miền xuôi này lại sản xuất nhiều lương thực, không chỉ đã đủ ăn mà còn đang bán ngay trên các chợ trong huyện, trong tỉnh.
3.3 Những giải pháp tổ chức-xã hội  hỗ trợ xây dựng NTM
-    Cần kiện toàn quy chế về tổ chức và hoạt động của bộ máy quản lý rừng cộng đồng thôn bản (Ban QLR-CĐ), làm sao đạt được quản lý rừng thêm bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới được hiệu quả; tạo ra được sự kế nhiệm liên tục trong các kỳ, cũng như sự liên kết với cán bộ xã và các cấp ngành quản lý ở cấp huyện;
-   Cần phát huy được vai trò của các hội đoàn thể (Chi uỷ chi bộ, Đảng uỷ xã, Chi hội nông dân, Chi hội phụ nữ, Chi hội cựu chiến binh, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc xã,...) trong thôn, trong xã tham gia vào quản lý rừng cộng đồng và gắn với xây dựng nông thôn mới.
-   Tăng quyền chủ động cho các Ban QLR-CĐ, được bầu định kỳ, tổ chức các hoạt động quản lý rừng, và các hoạt động sinh lợi nhuận trên rừng và đất đã giao, xác định quản lý rừng tốt tức là tạo ra môi trường sống và sản xuất tốt trong xây dựng nông thôn miền núi ở gần rừng; Chú trọng các hình thức phát động phong trào quản lý rừng cộng đồng thêm hiệu quả, nhằm lôi cuốn được sự tham gia của cả cộng đồng trong quản lý rừng đã giao; hoặc những chương trình lồng ghép tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông của Trung ương (Truyền hình Việt nam,...) và của địa phương.
-   Thí điểm mô hình “Tổ hợp tác Lâm nghiệp cộng đồng”, là một “sáng kiến mới” – đang đề xuất để định hình về tổ chức, làm cơ sở thúc đẩy tiến trình sử dụng lao động, tài nguyên đất và rừng ở  vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Trị.
3.4  Những giải pháp hỗ trợ tài chính trong xây dựng NTM
Thông qua quản lý rừng cộng đồng, việc lồng ghép xây dựng NTM cũng cần có những chính sách về hỗ trợ tài chính trong xây dựng chính sách, tuy nhiên có thể tập trung vào hỗ trợ tài chính ở các góc độ sau đây:
-    Có thể phối hợp giữa các cấp ngành trong địa phương, sớm hỗ trợ kinh phí ngân sách hàng năm (kinh phí bảo vệ rừng là: 100.000,0 đồng/ha) cho diện tích rừng và đất đã giao cho cộng đồng quản lý, làm cơ sở bổ sung nguồn Quỹ để tổ chức các hoạt động quản lý thích hợp trên mỗi cộng đồng.
-    Ngoài ra, tùy vào điều kiện của từng thôn gắn với nguồn “Chi trả dịch vụ môi trường rừng”, có thể bổ sung nguồn Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của thôn, và thu nhập của các hộ trong cộng đồng, thông qua các nguồn chi trả dịch vụ môi trường đang có, hoặc sẽ có, trong đó: các thôn có nguồn cung ứng nước cho Nhà máy thủy điện Rào quán, Nhà máy thủy điện Đakrông, đều có nguồn thu, trong khoảng 3-5 tỷ đồng/1 năm/1 huyện (như: huyện Hướng Hóa, huyện Đakrông,...), giúp cho các thôn tham gia quản lý rừng trên lưu vực, có thêm nguồn thu nhập cho các hộ có liên quan “trực tiếp trong quản lý và bảo vệ rừng” và toàn cộng đồng.
3.5 Những giải pháp chia sẻ lợi ích trong xây dựng chính sách LNCĐ
-    Nghiên cứu xây dựng chính sách giữa quản lý rừng và xây dựng nông thôn mới, trong đó gắn giữa trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, hộ dân, và cộng đồng tham gia quản lý rừng cộng đồng, làm động lực quản lý rừng và xây dựng nông thôn mới trong điều kiện vùng sâu, vùng xa.
-    Chú trọng tạo ra được các “mô hình sinh kế thay thế” cho cộng đồng, vừa là mục tiêu và động lực phát triển Lâm nghiệp cộng đồng và xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi còn nhiều khó khăn. Cần thiết xây dựng “Cơ chế chia sẻ lợi ích” trong các hoạt động và kết quả thu được từ quản lý rừng cộng đồng, gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
II. Kết luận và đề nghị:
1. Kết luận
-   Trong gần 08 năm qua, việc giao rừng cho cộng đồng thôn bản quản lý, ở tỉnh Quảng Trị, đã chuyên  đổi đáng kể nhận thức về quyền lợi và trách nhiệm của thôn bản trong quản lý tài nguyên rừng, theo hướng vừa bảo vệ rừng và giữ vững ổn định về môi trường, vừa được “chia sẻ lợi ích” thông qua quản lý rừng ngày càng tốt hơn, từng bước đưa những chính sách quản lý gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) trong điều kiện đặc thù cho một bộ phận cư dân miền núi, ở vùng sâu, vùng xa.
-   Tạo thêm “nguồn bổ sung” cho “Quỹ quản lý rừng cộng đồng”, thông qua trồng cây Lâm đặc sản (Bời lời, Mây nếp, Nuôi ong mật,...) từ các tổ chức là Chi hội thanh niên thôn, Chi hội phụ nữ thôn, Chi hội nông dân thôn,.., đang là một “sáng kiến mới” trong tổ chức các hoạt động dựa vào cộng đồng; người trực tiếp tham gia vào các hoạt động môi trường và sinh lợi nhuận, có thể được hưởng trong khoảng 70-80% thu nhập có được, và khoảng 20-30% thu nhập khác từ các mô hình, quay trở lại đóng góp vào “Quỹ bảo vệ rừng của thôn”, góp phần duy trì mô hình tổ chức và hướng tới quản lý rừng, quản lý môi trường sống vùng sâu, vùng xa, thêm bền vững.
-   Trên 5.000 ha rừng đã được 37 cộng đồng thôn bản quản lý tốt hơn trong các năm qua (từ năm 2005 đến 2013), là một cách giữ cho môi trường thêm ổn định ở vùng nông thôn miền núi, chủ rừng là cộng đồng thôn bản, có thể coi là một cách tiếp cận khi xây dựng nông thôn mới trong điều kiện một tỉnh có nhiều rừng và đồng bào dân tộc sinh sống - như tỉnh Quảng Trị; trong thời gian này, đã có hàng chục hộ gia đình trong vùng giao rừng cho cộng đồng quản lý, làm đơn xin khai thác gỗ từ rừng được giao, góp phần thay đổi nhận thức về trách nhiệm và quyền lợi của cộng đồng, thực hiện Luật Bảo vệ và phát triển rừng ở cấp thôn bản.
2. Đề nghị
-   Cần kết hợp hài hoà các giải pháp: (i) Giải pháp tổ chức-xã hội, (ii) Giải pháp kinh tế kỹ thuật, (iii) Giải pháp hỗ trợ tài chính, (iv) Giải pháp chia sẻ lợi ích, sẽ góp phần phát triển bộ chính sách về quản lý rừng ở địa phương, làm cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) không chỉ có môi trường sống an toàn và trong lành, góp phần ổn định sản xuất, mà còn phải chuyển dịch được cơ cấu kinh tế ở vùng sâu, vùng xa, của tỉnh Quảng Trị.
-  Trong định hướng tổ chức chuyển dich cơ cấu kinh tế, có thể xem xét tập trung vào xây dựng mô hình “Tổ hợp tác lâm nghiệp cộng đồng” để có thể sử dụng tài nguyên lao động, tài nguyên rừng và đất cộng đồng thêm hiệu quả; nghiên cứu “Cơ chế chia sẻ lợi ích” giữa các bên tham gia (Ban QLR-CĐ, nhóm tham gia, toàn cộng đồng) trên từng đối tượng quản lý được tác động khác nhau; mở rộng “Quyền của cộng đồng” trong bảo vệ, quản lý, và chia sẻ lợi ích trong tất cả các nhóm gỗ (từ nhóm I-VIII) trong rừng đã giao, và cho phép cộng đồng được Thương mại gỗ” do công quản lý, thí điểm được lưu thông trong phạm vi địa bàn trong huyện và tỉnh quản lý, kết hợp rà soát 19 tiêu chí để tạo bước đột phá trong xây dựng nông thôn mới ở vùng miền núi đặc thù./.
          
  

Tác giả bài viết: Hoàng Quảng Hà- Chi cục Lâm nghiệp Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập78
  • Hôm nay10,577
  • Tháng hiện tại67,732
  • Tổng lượt truy cập8,268,029
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây