Hội nông dân xã Vĩnh Thủy thực hiện tốt tiêu chí môi trường

Thứ năm - 14/11/2013 21:01
Bảo vệ môi trường là một trong 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí Quốc gia về chương trình xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu chung của tiêu chí này là: Bảo vệ môi trường, sinh thái, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường khu vực nông thôn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới tiêu chí này gặp nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là công tác xử lý rác thải, bảo vệ vệ sinh môi trường nông thôn.
Ảnh: Mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại xã Cam Thủy
Ảnh: Mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại xã Cam Thủy
Một thực tế hiện nay, tại các địa bàn nông thôn, có khoảng 80% khối lượng rác thải, nước thải sinh hoạt mà chủ yếu là lượng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật chưa được thu gom xử lý hợp vệ sinh, xả trực tiếp ra môi trường. Chính vấn đề này đã làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật còn sót lại trên các bao bì, nhãn mác của các chai lọ đựng thuốc. Đây là nguy cơ tiềm ẩn rất lớn gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khõe của con người. Nguyên nhân chính là do hiện nay, công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn lỏng lẻo, thị trường tràn lan những loại thuốc độc hại cấm sử dụng, thuốc quá hạn sử dụng... mà chỉ có một số ít nông dân có ý thức được việc vứt bỏ chai, túi đựng thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường sẽ gây ô nhiễm nguồn nước nên đã đem đi chôn, còn đa số bà con vẫn có thói quen vứt ngay tại ruộng vườn...
Nhận thức được tính nguy hại của rác thải thuốc bảo vệ thực vật với môi trường và sức khõe của con người, Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh đã mạnh dạn đăng ký với BCĐ xây dựng nông thôn mới xã triển khai thực hiện mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Mô hình này được thực hiện từ năm 2011, là mô hình đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị rất được cấp ủy, chính quyền địa phương đồng tình ủng hộ và bà con nông dân hưởng ứng tích cực.  Từ nguồn quỹ phúc lợi của các Hợp tác xã và đóng góp ngày công của nông dân, Đến nay, Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy đã xây dựng được 15 bể bê tông thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, với tổng mức đầu tư từ 1,2 đến 1,5 triệu  đồng/bể. Các bể bê tông này được đặt ở những vị trí thuận lợi, bên cạnh các trục đường chính dẫn ra đồng để tiện cho người dân bỏ những chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Sau khi thu gom tại các bể, các thôn trong xã sẽ cử người chuyển số rác thải này về bãi tập kết rác cộng đồng để xử lý.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng các bể thu gom rác thải, Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân không vứt rác, xác chết súc vật xuống ao, hồ, kênh mương, có ý thức thu gom các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng bỏ về các bể thu gom; đồng thời tổ chức tập huấn phương pháp sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật.
Vĩnh Thủy là vùng trọng điểm lúa của huyện Vĩnh Linh. Toàn xã có trên 500 héc ta trồng lúa, mỗi năm sử dụng khoảng 6 tấn thuốc bảo vệ thực vật các loại. Qua nhiều năm, số bao bì, vỏ thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng xong nếu không được thu gom, xử lý thì lượng rác thải này tích tụ lại trên ruộng đồng là rất lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy, từ khi có các bể thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật, tình hình ô nhiễm trên đồng ruộng xã Vĩnh Thủy đã giảm hẳn. Nhận thức về việc thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã trở thành thói quen trong đời sống sinh hoạt của người dân xã Vĩnh Thủy. Ông Lê Thanh Bình – người dân ở thôn Thủy Ba Đông (Vĩnh Thuỷ) cho biết: "Trước đây, người dân chúng tôi thường có thói quen vứt vỏ bao bì đựng các loại thuốc BVTV bừa bãi trên đồng ruộng. Chúng tôi cũng biết việc vứt rác thải thuốc BVTV là rất nguy hại cho môi trường, nhưng theo thói quen với lại đồng ruộng rộng thênh thang mà không có điểm tập kết rác thải nào, nên không biết bỏ vào đâu. Từ khi Hội Nông dân xã triển khai mô hình này, tôi và nhiều bà con đều hưởng ứng. Dù đi đâu hay trong khi làm ruộng, tôi thấy rác thải thuốc bảo vệ thực vật là gom nhặt bỏ vào bể".
Ông Trần Đăng Chiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy cho biết thêm: "Lâu nay ở Vĩnh Thủy, người dân đã thực hiện tốt việc bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Thực hiện xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân tiếp tục triển khai thực hiện thu gom rác thải trên đồng ruộng. Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục bố trí thêm nhiều điểm thu gom nữa, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân có ý thức tự giác chấp hành nhằm hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững".
Việc xả rác bừa bãi hay lúng túng trong khâu xử lý rác thuốc bảo vệ thực vật không chỉ là câu chuyện riêng của người nông dân ở một địa phương nào, mà nó còn diễn ra phổ biến ở nhiều nơi trên cả nước. Thói quen xả bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng của nông dân đang trở thành vấn nạn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của cộng đồng dân cư và đang trong tình trạng đáng báo động. Với cách làm của Hội Nông dân xã Vĩnh Thủy trong việc tổ chức thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật là mô hình cần được nhân rộng ra nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, nhằm hạn chế tình trạng ô nhiểm môi trường, góp phần thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.

Tác giả bài viết: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập104
  • Hôm nay15,726
  • Tháng hiện tại99,517
  • Tổng lượt truy cập8,299,814
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây