Chú trọng nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ

Thứ tư - 28/11/2018 19:53
Nhằm không ngừng đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) của tỉnh Quảng Trị, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, kinh doanh và đời sống, trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới phục vụ phát triển một số sản phẩm chủ lực của tỉnh. Thông qua đó, đã góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, phục vụ tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Mô hình trồng thử nghiệm cây tỏi tím trên đất cát tại xã Trung Giang, Gio Linh
Mô hình trồng thử nghiệm cây tỏi tím trên đất cát tại xã Trung Giang, Gio Linh

Các nhiệm vụ KH&CN đã được Sở KH&CN chú trọng xác định nội dung gắn liền với sản phẩm cụ thể, có địa chỉ ứng dụng rõ ràng, kể cả trong lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, trong đó có nhiều sản phẩm KH&CN đã được thương mại hóa. Đối với các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia, Sở KH&CN đã tranh thủ nguồn lực từ Trung ương triển khai 5 dự án thuộc chương trình nông thôn miền núi nhằm hỗ trợ cho người dân vùng ven biển phát triển sản xuất, ổn định đời sống sau sự cố môi trường biển và tập trung phát triển các cây, con chủ lực, tiềm năng. Sở đã chuyển giao 7 quy trình công nghệ cho 56 hộ nông dân được hưởng lợi từ dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong chăn nuôi bò nhằm chuyển đổi sinh kế cho người dân vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển tỉnh Quảng Trị”. 200 hộ dân được tham gia các lớp tập huấn tiến bộ KHKT chăn nuôi bò, trồng cỏ và chế biến thức ăn cho gia súc. Dự án cấp 120 bò cái giống F1 với chất lượng tốt.

 

Năm 2018, Sở KH&CN triển khai dự án:“Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nấm dạng dịch thể, phục vụ nuôi trồng, chế biến nấm theo chuỗi giá trị cho người dân vùng cát ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển và miền núi tỉnh Quảng Trị”. Sở đã phối hợp với UBND các xã thực hiện khảo sát, điều tra, chọn hộ; cử 2 cán bộ tham gia học tập, đào tạo kỹ thuật 2 tháng tại Hà Nội để về chuyển giao lại cho người dân. Đến nay, đã chọn được 45/75 hộ (đợt 1) của 5 huyện tham gia dự án. Dự án đã cung cấp nguyên vật liệu nuôi trồng nấm và tổ chức 5 lớp tập huấn nuôi trồng và chế biến nấm cho 45 hộ; tiến hành cải tạo phòng thí nghiệm đưa vào sản xuất giống nấm dạng dịch thể.

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch, năm 2018, Sở KH&CN đã đầu tư xây dựng mô hình sản xuất hoa lan hồ điệp, hoa lili tại Hướng Hóa; mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGAHP theo chuỗi giá trị tại vùng cát; mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc an toàn theo VietGAHP. Qua thực hiện thí điểm, các đơn vị tiếp nhận đã làm chủ các quy trình công nghệ. Kết quả triển khai các dự án này sẽ hỗ trợ phát triển các cây, con chủ lực, tiềm năng của tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm. Các dự án đến nay đã được thẩm định và chuẩn bị ký kết hợp đồng triển khai thực hiện.

 

Các nhiệm vụ KH&CN được điều chỉnh tổ chức theo hướng giải quyết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm, định hướng liên kết “4 nhà” để tạo tiền đề nhân rộng. Tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, Sở KH&CN triển khai ứng dụng công nghệ vi sinh sản xuất chế phẩm probiotic có các chủng vi sinh vật hữu ích phù hợp với điều kiện của tỉnh, ứng dụng bổ sung vào thức ăn nuôi trồng thủy sản phục vụ phát triển nghề nuôi trồng thuỷ sản nói chung, phát triển nghề nuôi tôm nói riêng theo hướng sản xuất hàng hoá có sức cạnh tranh cao. Trên địa bàn tỉnh đã tiến hành nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh và phục tráng giống lúa HC95 nhằm tạo ra được 1 bộ giống tốt, sạch bệnh, mang các đặc tính tốt ban đầu của giống gốc...; tiến hành nghiên cứu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học để hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam ở vùng đồi K4 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng, tuyển chọn các giống cà phê chè có triển vọng chuyển giao cho nông dân áp dụng nhân rộng mô hình khi tái canh... Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong tỉnh năm 2018 còn tập trung ứng dụng có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và lợi thế cạnh tranh cao như: mô hình ứng dụng công nghệ sấy lạnh để sấy sản phẩm thủy, hải sản, bảo quản và nâng cao giá trị ném cây và một số loại cây gia vị tương tự...góp phần bảo quản được nông sản, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm để hình thành hàng hóa thương mại trong và ngoài nước.

 

Đánh giá về hiệu quả thực hiện nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Trị Trần Ngọc Lân cho biết: “Công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn được tập trung nhiều lĩnh vực, trong đó tập trung triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm, các dự án KH&CN về phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực, tiềm năng, có triển vọng cũng như tập trung hoàn thiện, chuyển giao các công nghệ, các mô hình mới gắn với thực tiễn sản xuất của các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh”.

 

Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, nhiệm vụ KH&CN tập trung biên soạn Địa chí tỉnh Quảng Trị là một công trình khoa học lớn, là nguồn tài liệu có giá trị khảo cứu về điều kiện tự nhiên, dân cư, lịch sử, văn hóa, xã hội, các phong tục tập quán... của người dân Quảng Trị từ cổ đại đến ngày nay. Qua đó thấy được quá trình biến đổi của tự nhiên, sự thay đổi về địa danh, địa giới của Quảng Trị và từng địa phương, cũng như tiến trình phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh qua các thời kỳ. Một số đề tài tập trung vào các nội dung như: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về đội ngũ những người hoạt động không chuyên trách xã, phường, thị trấn và thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh cũng như khảo sát mô hình thực tế và kinh nghiệm của tỉnh bạn và đề xuất các giải pháp và chế độ, chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động; nghiên cứu cơ sở lý luận về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới hiện nay và đề xuất giải pháp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tiểu học nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và xây dựng mô hình thực nghiệm ứng dụng chương trình đó ở tỉnh; nghiên cứu làm sáng tỏ những đặc điểm, phẩm chất truyền thống tốt đẹp và những tính cách còn hạn chế của con người Quảng Trị, luận giải cơ sở hình thành, dự báo các tác động từ hội nhập quốc tế đến sự phát triển của tỉnh Quảng Trị, đề xuất hình thành một số phẩm chất, tính cách mới, các giải pháp nhằm khắc phục hạn chế, từng bước bồi đắp, hình thành, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Quảng Trị đáp ứng thời kỳ hội nhập và phát triển...

 

Trong điều kiện hiện nay, việc đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KH&CN là nhiệm vụ quan trọng có tính quyết định hiệu quả sản xuất ,kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Với những nỗ lực trong thời gian qua, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn đã góp phần tích cực nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, góp phần thúc đẩy nền KTXH của tỉnh phát triển.

 

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay878
  • Tháng hiện tại49,525
  • Tổng lượt truy cập8,143,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây