Triệu Ái mới đạt 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Thứ hai - 09/06/2014 03:08
Cách thành phố Đông Hà chỉ một dòng sông Lai Phước nhưng đứng từ phía thành phố nhìn sang, xã Triệu Ái (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) không khác mấy một số xã vùng sâu, vùng xa của các huyện trong tỉnh. Bởi Triệu Ái đến thời điểm này, ngoài tuyến Quốc lộ 1A chạy qua, thì các thôn nằm xa tuyến đường này vẫn còn những con đường mòn luồn lách qua các vườn cây, ao cá nên nắng bụi, mưa lầy, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.
Triệu Ái mới đạt 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới
           Xã Triệu Ái có 1.208 hộ, với gần 5.000 khẩu, phân bố trên địa bàn 9 thôn. Tổng diện tích đất sản xuất của xã gần 8.000 ha, trong đó diện tích trồng lúa gần 200 ha, năng suất bình quân đạt 43,5 tạ/ha, diện tích đất rừng 7.135 ha, diện tích còn lại trồng cây hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả. Hiện trên địa bàn xã có 3 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực cưa xẻ gỗ, tạo việc làm thường xuyên cho 100 lao động, có mức thu nhập ổn định. Hoạt động kinh doanh thương mại ở khu dân cư dọc Quốc lộ 1A phát triển khá. Hiện Triệu Ái đã có 100% thôn và trường học phát động xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, 4 làng (thôn) được công nhận làng văn hóa cấp tỉnh, 2 đơn vị trường học và 3 làng được công nhận làng văn hóa cấp huyện. Vào những năm 2012, sau khi cầu đường Hùng Vương (thành phố Đông Hà) được hợp lưu, nối xã Triệu Ái với thành phố Đông Hà thì giá đất các thôn lân cận với thành phố tăng lên từng ngày, từ vài chục triệu/ ha lên đến vài trăm triệu đồng/ha rất thuận lợi cho Triệu Ái phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên,
       sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hiện còn 3 thôn là Trung Phong, Liên Phong, Tràng Sòi chưa thực hiện được mét đường bê tông nào. Đặc biệt, Triệu Ái là xã duy nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này chưa có trường THCS nên con em trong xã phải về thị trấn Ái Tử hoặc ngược ra thành phố Đông Hà để học tập. Việc xử lý rác, nước thải, quy hoạch nghĩa địa nhân dân chưa được thực hiện đúng quy định. Tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 15%... Do đó, đến thời điểm hiện tại xã Triệu Ái mới đạt được 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là: quy hoạch, điện, bưu điện, thu nhập bình quân đầu người, văn hóa, tăng 2 tiêu chí so với năm 2010, thấp xa so với bình quân chung của tỉnh (toàn tỉnh đạt 8,13 tiêu chí/ xã).     
        Điều đáng nói là từ năm 2010 đến nay, Đảng ủy xã Triệu Ái đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về từng lĩnh vực cụ thể để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Đích thân đồng chí Bí thư Đảng ủy xã cùng lãnh đạo xã đã nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn xây dựng nhiều công trình trên địa bàn như trụ sở UBND, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, hệ thống đài truyền thanh không dây, trường tiểu học, nhà tình nghĩa… Thế nhưng, hiện còn rất nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới vẫn rất khó thực hiện.
          Theo đồng chí Hồ Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy xã, cái khó lớn nhất hiện nay là nguồn lực đầu tư của nhà nước về chương trình mục tiêu quốc gia này đã thấp mà còn nhiều bất cập. Triệu Ái là xã lớn có tổng diện tích đất tự nhiên lên đến hơn 10.000 ha, chiếm khoảng 1/3 diện tích đất của toàn huyện nhưng nguồn lực đầu tư vẫn giống như các xã khác, thậm chí thấp hơn nhiều so với các xã điểm về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, một số ngành như y tế, giáo dục đầu tư cơ sở vật chất theo ngành dọc nên xã rất khó chủ động để triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tuy ổn định nhưng vẫn còn xảy ra nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp đất đai, lấn chiếm đất trái phép từ nhiều năm trước đến nay chưa được giải quyết dứt điểm. Việc tổ chức sản xuất ở một số HTX tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn HTX hoạt động trì trệ, đời sống xã viên gặp nhiều khó khăn. Nhận thức việc dồn điền đổi thửa của Đảng ủy xã và các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến thôn trước đây chưa đúng mức dẫn đến việc thực hiện thiếu quyết liệt. Một bộ phận cán bộ, đảng viên ngại khó. 
         Để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề ra của tỉnh, trong thời gian tới, Đảng ủy xã cần xác định xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Theo đó, Đảng ủy xã tiếp tục ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề, thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội tham gia; trong đó cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở đóng vai trò lãnh đạo, điều hành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động; nông dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được.
           Bên cạnh đó, xã cần vận dụng lồng ghép các chương trình, dự án và các cuộc vận động khác như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, phong trào nhân dân đóng góp xây dựng hạ tầng nông thôn và khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia. Bởi trước đây, công tác huy động nguồn lực đóng góp trong nhân dân của xã còn rất hạn chế. Trong lúc đó, toàn huyện Triệu Phong đến nay đã có rất nhiều hộ dân tự nguyện hiến trên 173.000 m2 đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đóng góp trên 13.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới, trị giá 1,4 tỷ đồng; tự nguyện đóng góp gần 4,770 tỷ đồng tiền mặt để xây mới và tu sửa kênh mương thuỷ lợi, xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, chỉnh trang nông thôn.
           Còn đối với xã Triệu Ái, chỉ tính trong năm 2013, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 2,1 tỷ đồng bê tông hóa đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng và xây dựng một số công trình phúc lợi khác thì riêng ông Lê Đức Thăng, đội 3, thôn Ái Tử đã đóng góp vốn đối ứng hơn 200 triệu đồng, các hộ khác rất ít tham gia. Vì thế, đến nay, toàn xã mới có 27,6 km đường bê tông, còn 77,99 km đường đất; 5,32 km kênh mương được bê tông hóa, còn 7,68 km kênh mương chưa được bê tông hóa. Do đó, việc nhân rộng những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện xây dựng nông thôn mới là một trong những việc làm cấp bách, thường xuyên ở xã Triệu Ái hiện nay.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập41
  • Hôm nay6,826
  • Tháng hiện tại122,415
  • Tổng lượt truy cập8,322,712
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây