Quảng Trị: Hiệu quả từ chương trình nước sạch nông thôn

Chủ nhật - 10/08/2014 11:10
Xã Hải Thành, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là một xã rất khó khăn về nguồn nước sinh hoạt do nước bị nhiễm phèn. Nằm ở vùng trũng của huyện nên muốn có nước sạch, người dân Hải Thành phải đi xa qua tận các xã khác mới xin được.

         Chính vì thế nên ngay sau khi công trình cấp nước sạch toàn xã hoàn thành từ tháng 9/2011, mặc dù số tiền đấu nối sử dụng nước khá lớn, trên dưới 1 triệu đồng/hộ nhưng gần 100% số hộ dân Hải Thành đã tích cực hưởng ứng. Công trình nước sạch xã Hải Thành do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh xây dựng đã thỏa mãn ước mơ bao đời được sử dụng nguồn nước sạch của người dân nơi đây. Hàng ngày, người dân tiết kiệm được thời gian đi lấy nước từ các xã khác, sức khỏe của người dân cũng được đảm bảo nhờ sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.

       Để thực hiện có hiệu quả chương trình nước sạch nông thôn, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát điều kiện tự nhiên, đặc tính sử dụng nước của từng vùng, từng địa phương và khả năng tiếp nhận của người dân để lựa chọn loại hình công trình phù hợp. Đối với các công trình cấp nước tập trung, Trung tâm nắm rõ mọi vấn đề liên quan, từ công suất thiết kế tới vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa.

       Từ kết quả khảo sát, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch cụ thể và xúc tiến thực hiện, trong đó chú trọng đầu tư có trọng điểm, ưu tiên các xã nghèo, các vùng thường xuyên bị thiên tai, vùng có nguồn nước bị ô nhiễm... để giải quyết tốt vấn đề nước sạch cho từng vùng, nhờ vậy người dân có điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống. Các công trình nước của Trung tâm đầu tư được nhân dân đồng tình hưởng ứng và sử dụng có hiệu quả.

      Mỗi năm, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường đầu tư xây dựng khoảng 6- 8 công trình nước sạch tập trung quy mô vừa và nhỏ cùng hàng chục giếng khoan tay và bể lọc sắt tại khu vực nông thôn, trong đó có nhiều công trình cấp nước dành cho vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch của tỉnh lên trên 85% (năm 2011).

       Đạt được kết quả khả quan về thực hiện chương trình nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm và các địa phương, các phòng ban cấp huyện nơi có dự án đầu tư, đặc biệt đối với dự án Bộ chỉ số theo dõi - đánh giá nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

       Trung tâm phối hợp với các địa phương gắn hoạt động của chương trình với hoạt động xây dựng nông thôn mới, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia trên cơ sở phù hợp với đặc thù từng địa phương, tạo thuận lợi để chương trình đạt mục tiêu đề ra. Các chương trình nước sạch nông thôn đều có sự huy động tổng hợp các nguồn lực như nguồn vốn từ ngân sách, các nguồn lực xã hội hóa, doanh nghiệp, sức dân... để tập trung thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm.

       Cùng với việc đầu tư xây dựng các công trình cấp nước, Trung tâm tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn quản lý vận hành và bảo dưỡng các công trình cấp nước, 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm đã hoàn thành các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch và VSMT năm 2012 tại huyện Hải Lăng, hoàn thành hồ sơ thiết kế xây dựng 6 cụm pa nô tuyên truyền và tổ chức 3 lớp tập huấn về quản lý vận hành các công trình cấp nước tập trung. Việc tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường được tập trung vào vận động cộng đồng, giới thiệu công nghệ kỹ thuật, vật liệu bền vững. Qua đó giúp người dân hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của các công trình cấp nước, cùng nhau chung tay bảo vệ.

       Với sự đầu tư mạnh mẽ của nhiều nguồn lực cho chương trình nước sạch đã góp phần làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chất lượng cuộc sống của người dân được thay đổi cơ bản. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây tình trạng cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước diễn ra phức tạp khiến cho tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chí của Bộ Y tế còn thấp.

       Tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, chăn thả gia súc tự do, khai thác rừng bừa bãi, các loại rác thải chưa được xử lý đúng quy trình đã làm ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước làm gia tăng dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khoẻ, đời sống của người dân. Hơn nữa, trong những năm gần đây, trước tình hình khó khăn về tài chính, việc đầu tư xây dựng các công trình phần lớn bị chậm lại do thiếu hụt nguồn vốn. Vì vậy, số vốn bố trí bị dàn trải, thời gian thi công công trình phải kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng.

       Ông Hoàng Đức Duy, Quyền Giám đốc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, kinh phí phân bổ cho chương trình hàng năm còn quá ít so với mục tiêu đề ra. Hàng năm đối với các công trình cấp nước, vốn chỉ bố trí đạt 20% tổng mức được duyệt nên hiện tượng nợ khối lượng hoàn thành quá lớn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Việc cập nhật thông tin Bộ chỉ số theo dõi- đánh giá nước sạch và VSMT nông thôn có khối lượng lớn, dàn trải trên địa bàn cả tỉnh (116 xã) lại thực hiện vào tháng cuối năm nên ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện. Đặc biệt, công tác nghiệm thu, quyết toán với một số xã không thông qua các phòng ban của huyện (Đakrông, Triệu Phong). Địa bàn đầu tư rộng và dàn trải trong khi cán bộ kỹ thuật của Trung tâm quá mỏng cũng là một trở ngại cho việc hoàn thành kế hoạch.

        Một trong những yếu tố tạo nên sự thành công trong thực hiện chương trình nước sạch nông thôn ở Quảng Trị là thực hiện chủ trương tiếp cận dựa theo nhu cầu của người dân, trong đó đặc biệt chú trọng vào việc trao quyền cho cộng đồng và lấy cộng đồng làm trọng tâm. Đây là bài học thành công của Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh khi có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở và người dân hưởng lợi. Hiệu quả từ chương trình mang lại cũng đã và sẽ góp phần đáng kể vào chương trình xây dựng nông thôn mới và hiện đại hóa nông thôn của tỉnh.
 

Nguồn tin: vnlight.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập138
  • Hôm nay15,461
  • Tháng hiện tại89,440
  • Tổng lượt truy cập8,182,976
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây