Nhiều khó khăn khi xây dựng nông thôn mới ở Đakrông

Thứ ba - 16/06/2015 21:50
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số tiêu chí bình quân đạt được của các xã năm sau đạt cao hơn năm trước. Tính đến nay, toàn tỉnh cơ bản không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Tuy nhiên, để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đối với các xã miền núi vẫn còn gặp nhiều trở ngại, khó khăn.
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Tà Rụt (Đakrông)
Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn xã Tà Rụt (Đakrông)
         Là địa phương thuộc huyện miền núi Đakrông, chương trình xây dựng NTM thời gian qua đã làm đổi thay về cơ bản bộ mặt nông thôn xã Tà Rụt. Tuy diện tích đất sản xuất nông nghiệp của xã không lớn nhưng bù lại nơi đây là vựa chuối và sắn của vùng, hàng năm cho năng suất khá cao. Cùng với đó là diện tích đồng cỏ tự nhiên lớn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển chăn nuôi gia súc. Từ khi triển khai xây dựng NTM đến nay, nhờ chú trọng phát triển về mọi mặt nên đời sống của người dân trên địa bàn xã đã có nhiều khởi sắc. Mỗi gia đình, dòng họ đều thi đua thực hiện nếp sống mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được củng cố vững chắc. Bộ mặt của các thôn bản khang trang hơn. Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của nhà nước, hệ thống đường giao thông từ huyện đến xã và từ trung tâm xã đến các thôn trên địa bàn đã cơ bản được xây dựng kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, buôn bán, trao đổi nông sản. Địa phương cũng được đầu tư các công trình thủy lợi, trụ sở UBND xã, các công trình nước sạch, nhà bán trú dân nuôi, cơ sở vật chất cho giáo dục, bệnh xá, nhà sinh hoạt cộng đồng và điện thắp sáng. Người dân được hỗ trợ về cây trồng, vật nuôi, tập huấn, chuyển giao KHKT, hỗ trợ vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, cuộc sống của đồng bào dần ổn định, nhiều hộ đã thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu. Người dân đã đưa giống sắn mới KM 94 vào sản xuất đại trà, trồng chuối, ngô lai, mở rộng quy mô chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm. Nhận thức rõ vai trò chủ thể của mỗi người dân trong xây dựng NTM nên nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã tình nguyện hiến đất, cây trồng, tài sản trên đất để xây dựng đường giao thông nông thôn về các thôn bản hay các công trình phúc lợi xã hội. 

        Ông Hồ Văn Ngơn, Chủ tịch UBND xã Tà Rụt cho biết: “Chương trình xây dựng NTM đã tạo nên những sự đổi thay cơ bản ở một xã miền núi. Đến thời điểm này, xã Tà Rụt đã đạt 7 /19 tiêu chí xây dựng NTM, tăng 3 tiêu chí so với năm 2014. Số hộ giàu, hộ khá trên địa bàn xã ngày càng tăng, nhiều hộ đã chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ để nâng cao thu nhập”. 

        Những kết quả xây dựng NTM mà Tà Rụt đạt được trong quá trình xây dựng NTM rất đáng ghi nhận, song ông Hồ Văn Ngơn cũng trăn trở rằng để hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM, đối với xã miền núi như Tà Rụt vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, thu nhập của người dân nông thôn trong giai đoạn từ 2013-2015 phải đạt bình quân từ 18 triệu đồng/người/năm. Nhưng đối với các xã miền núi, khi tập quán canh tác còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, phân bố trên địa hình đồi núi khó khăn cho việc đi lại thì để đạt chuẩn là một vấn đề nan giải. Hàng năm, mặc dù có nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ chương trình xây dựng NTM, địa phương cũng đã chú trọng lồng ghép thêm các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Tuy nhiên, do xuất phát điểm kinh tế- xã hội còn quá thấp nên xã Tà Rụt vẫn chưa hoàn thành tiêu chí thu nhập. Nhận thức của người dân về xây dựng NTM cũng là một trong những yếu tố khó khăn gây ảnh hưởng đến việc hoàn thành các tiêu chí trong chương trình xây dựng NTM. Mặc dù công tác tuyên truyền, tập huấn được địa phương tăng cường thực hiện nhằm tạo bước chuyển biến trong nhận thức của người dân nhưng do trình độ dân trí của một bộ phận dân cư còn hạn chế nên việc tiếp thu còn chậm. Từ đó, họ chưa thực sự chủ động trong hưởng ứng thực hiện chương trình xây dựng NTM. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại còn nặng nề. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng NTM, đặc biệt là từ các doanh nghiệp trên địa bàn và từ nhân dân còn hạn chế. Địa hình vùng đồi núi hiểm trở, dân cư sống phân tán, không tập trung, đời sống người dân còn khó khăn, khả năng huy động nguồn lực đóng góp thấp nên địa phương khó hoàn thành về tiêu chí giao thông nếu không có sự hỗ trợ của cấp trên. 

         Là một huyện miền núi, điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn song thời gian qua huyện Đakrông luôn quan tâm đến việc triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Xuất phát từ tình hình thực tế của địa phương, Đakrông đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng NTM. Làm tốt công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân bằng các hoạt động cụ thể như tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón... Nhờ vậy, trên địa bàn huyện đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế được xây dựng và nhân rộng như: Nuôi lợn bản, thâm canh lúa nước, nuôi bò sinh sản, trồng cao su tiểu điền. Kết cấu hạ tầng thiết yếu của các xã xây dựng NTM được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, môi trường, an ninh trật tự… đều được quan tâm, đầu tư phát triển, tạo nên diện mạo mới cho các bản làng vùng cao. Mặc dù nhận được sự quan tâm, đầu tư xây dựng của các cấp song thực tế cho thấy, kết quả xây dựng NTM ở các xã miền núi của huyện Đakrông vẫn còn hạn chế. Đặc biệt, có nhiều tiêu chí chưa xã nào trên địa bàn huyện Đakrông đạt được như: trường học, giao thông, nhà ở, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở vật chất văn hóa... 

         Để chương trình xây dựng NTM sớm phát huy hiệu quả ở xã Tà Rụt nói riêng và các xã miền núi nói chung, các cấp, ngành cần có sự quan tâm hơn nữa trong việc tìm ra các giải pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, đối với các xã, cần có sự chủ động hơn nữa trong việc ưu tiên triển khai thực hiện các tiêu chí dễ, cần ít kinh phí, không nên trông chờ, ỷ lại vào nguồn vốn phân bổ từ cấp trên. Cần có sự phân công rõ ràng, cụ thể cho từng cán bộ, tổ chức trong hệ thống chính trị trong việc chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM... Từ đó góp phần đưa các xã nghèo miền núi rút ngắn được khoảng cách với các xã miền xuôi trên lộ trình xây dựng NTM. 

Nguồn tin: Sưu tầm: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay10,577
  • Tháng hiện tại64,024
  • Tổng lượt truy cập8,264,321
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây