Cần có giải pháp để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới. Bài 1: Hình thức tổ chức sản xuất, một tiêu chí khó đạt

Thứ hai - 16/10/2017 23:28
Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Bộ tiêu chí nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 1980/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nhiều tiêu chí đòi hỏi mức đạt chuẩn cao hơn so với giai đoạn 2011 - 2015 vì vậy, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã “rớt” chuẩn NTM.
Các hợp tác xã cần quan tâm mở hướng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên
Các hợp tác xã cần quan tâm mở hướng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên

Trước đây, để đạt được tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM, mỗi xã chỉ cần có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, theo Quyết định 1980/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016 - 2020 thay thế cho những quyết định trước đây thì tiêu chí số 13 phải đạt được hai yếu tố: Xã có HTX hoạt động theo đúng quy định của Luật HTX năm 2012; xã có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đảm bảo bền vững.

 

Nỗ lực cán đích NTM cách đây 2 năm nhưng đến nay xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong) rơi vào tình trạng “rớt” chuẩn NTM vì không đạt về hình thức tổ chức sản xuất. Nguyên nhân chính là do toàn xã có HTX dịch vụ nông nghiệp An Thành nhưng quy mô hoạt động nhỏ lẻ, tỉ lệ lao động nông nghiệp của xã chỉ chiếm 25%. HTX dịch vụ nông nghiệp An Thành chỉ có 47 ha lúa và 30 ha đất trồng hoa màu. Đất sản xuất manh mún, thành viên HTX ít nên dù đã chuyển đổi, HTX vẫn không thể thiết lập được mối liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

 

Vì vậy, với chỉ tiêu mới của tiêu chí 13 thì không biết bao giờ xã Triệu Thành mới có thể đạt về hình thức tổ chức sản xuất. Trong khi đó, tại xã Vĩnh Hiền (huyện Vĩnh Linh), địa phương đạt 19/19 tiêu chí NTM năm 2015 cũng bị “rớt” về hình thức tổ chức sản xuất dù ở đây có HTX khá quy mô với trên 300 ha cao su, gần 70 ha cây hồ tiêu, 75 ha lúa, 40 ha hoa màu. Sản phẩm nông nghiệp của HTX đa dạng và đặc trưng vì ngoài lúa còn có các sản phẩm mủ cao su, hạt tiêu, môn, khoai, từ, tía, ném...

 

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hiền là HTX quy mô toàn xã với 360 thành viên. Mặc dù đã chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng đến nay HTX Vĩnh Hiền vẫn chỉ dừng ở mức cung ứng các dịch vụ đầu vào trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống… còn đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của hộ thành viên thì vẫn “mạnh ai nấy làm”, HTX chưa hình thành được mô hình liên kết sản xuất nào có gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của địa phương.

 

Ông Nguyễn Thuận Sang, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Hiền cho biết: “Năm 2009, thời kỳ giá mủ cao su tăng cao, HTX từng đứng ra làm dịch vụ đầu ra, thu mua sản phẩm mủ cao su của các thành viên trong HTX. Chỉ trong vòng 5 năm HTX làm dịch vụ thu mua mủ cao su, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên HTX tăng rõ rệt vì đã ngăn chặn được tình trạng tư thương ép giá. Nhưng sau trận bão năm 2013, hầu hết các vườn cao su của địa phương bị gãy đổ, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, rồi giá mủ cao su những năm gần đây cũng giảm mạnh nên người dân ở đây ít bán mủ tươi mà chuyển sang trữ mủ đông, HTX gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ nên dừng luôn dịch vụ thu mua mủ cao su mấy năm nay. Bây giờ nói tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, HTX rất muốn làm vì đó là vấn đề gắn với lợi ích thiết thực của thành viên nhưng rất khó thực hiện vì tiềm lực hạn chế, vốn liếng ít không đủ sức cạnh tranh với tư thương”.

 

Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có 266 HTX nông nghiệp đã đăng ký hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Tuy nhiên, cơ bản các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện dịch vụ đầu vào và các dịch vụ sản xuất bắt buộc như cung cấp phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật, tưới tiêu, điều hành sản xuất, bảo vệ đồng ruộng; chỉ có 8% (khoảng 21 HTX) có thực hiện dịch vụ liên kết đầu ra sản phẩm cho thành viên. Đó cũng là lý do vì sao khi áp theo tiêu chí mới về hình thức tổ chức sản xuất, hầu hết các xã đều bị “rớt” tiêu chí này.

 

Thống kê sơ bộ của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, hiện có 6/19 xã đã đạt NTM bị “rớt” tiêu chí 13 gồm các xã: Vĩnh Kim, Vĩnh Hiền, Vĩnh Lâm, Vĩnh Hòa (Vĩnh Linh), Triệu Thành, Triệu Phước (Triệu Phong) và dự báo số xã “rớt” tiêu chí này còn sẽ tăng thêm trong thời gian tới khi có sự kiểm tra, rà soát tổng thể. Nguyên nhân chính là các HTX chưa tiếp cận và huy động được nguồn vốn, cán bộ quản lý HTX còn yếu trong hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh hay tìm kiếm thị trường để phát triển trong khi đó, kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu về sản xuất tập trung, việc cơ giới hóa, bảo quản sau thu hoạch còn thiếu…

 

Ông Hoàng Minh Trí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn nhận định: “Khác với mô hình cũ, HTX kiểu mới hoạt động nhằm mục đích mang lại lợi ích cho thành viên thông qua việc cam kết cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên. Việc liên kết sản xuất là yêu cầu tất yếu, khách quan phù hợp với quy mô, tính chất cạnh tranh của nền kinh tế, tạo chuỗi giá trị sản phẩm theo chiều tăng dần, bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Mô hình này tập trung tiếp cận bài toán kinh tế theo hướng tăng giá trị và lợi nhuận trên cơ sở giảm được giá thành đầu cho nông dân. Sự kết hợp giữa doanh nghiệp, HTX và nông dân giúp chuyên nghiệp hóa quy trình sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và hạn chế tình trạng tư thương ép giá. Tuy nhiên, do các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn bị động trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra nên “điệp khúc” được mùa rớt giá, tư thương thao túng thị trường nông sản vẫn cứ diễn ra”.

 

Có thể nói, việc nâng cao tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất là yêu cầu tất yếu của thực tiễn bởi đó nền tảng để thực hiện nhiều tiêu chí khác và quan trọng hơn là gắn sản xuất với tiêu thụ, giải quyết đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, hoạt động tiêu thụ nông sản đòi hỏi năng lực, trách nhiệm và kinh nghiệm thị trường cao, vì vậy tỉnh cần có chiến lược xây dựng và hoàn thiện mô hình các HTX nông nghiệp theo đúng chuẩn và quy định của Luật HTX năm 2012, đồng thời tăng cường hỗ trợ các HTX nâng cao nhận thức, năng lực quản trị, đàm phán, xây dựng và quảng bá thương hiệu...

 

Việc phát triển HTX cần gắn với xây dựng NTM để từ đó thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập cho nông dân. Có vậy việc xây dựng NTM ở các địa phương mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Con số ấn tượng
69/101
Là số xã đạt chuẩn Nông thôn mới
14,5
Là số tiêu chí đạt bình quân của tỉnh
01/7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới
(huyện Cam Lộ -đạt chuẩn năm 2019)
9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
(Kim Thạch, Vĩnh Thủy, Vĩnh Giang, Cam Chính, Cam Nghĩa, Cam Thành, Cam Hiếu, Triệu Đại, Triệu Trạch)
Liên kế website
Thống kê lượt truy cập
  • Đang truy cập75
  • Hôm nay10,354
  • Tháng hiện tại80,035
  • Tổng lượt truy cập8,173,571
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây